Một góc của Dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP.HCM) bị hủy bỏ. Ảnh: Thiện Minh
Dự án “đất vàng” đi tìm chủ
Năm 2007, UBND TP.HCM lần đầu tiên thí điểm tổ chức đấu thầu khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1), rộng hơn 13.000 m2, nằm sát Công viên 23/9, Quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành và là trung tâm của hàng loạt tuyến metro, xe buýt...
Doanh nghiệp trúng thầu là Liên doanh Thái Sơn (gồm Công ty Đầu tư xây dựng Thái Sơn, Công ty Đầu tư Chí Thành, Công ty Đầu tư tài chính Ánh Dương, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Công ty Bất động sản BIDV, Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Hanwha, Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Hanshin, Công ty Hanwha Galleria).
Nhưng sau đó, Chính phủ xác định, quá trình đấu thầu có nhiều sai sót, nên hủy kết quả và Liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi Dự án.
Tiếp theo, Liên doanh KSDP (gồm 1 công ty trong nước và 3 công ty Hàn Quốc) xin nhận đầu tư dự án này và được chấp thuận. Nhưng đến năm 2011, Liên doanh KSDP vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nội dung để bảo đảm thực hiện Dự án và TP.HCM đã chấm dứt xem xét cho liên doanh này thực hiện.
Năm 2015, theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM đã chấp thuận đưa khu đất này ra đấu thầu một lần nữa. Kết quả là, Liên danh Công ty xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) và Công ty Đại Tân Phú làm chủ đầu tư.
Thời điểm đó, liên doanh này dự kiến xây dựng khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn 5 sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Tuy nhiên, đến năm 2016, khu đất trên được đưa vào kế hoạch sử dụng đất của quận 1 và năm 2017, UBND TP.HCM lại giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu chọn nhà đầu tư lần thứ ba.
Đến tháng 4/2018, Sở Xây dựng mới tính được chi phí đầu tư xây dựng dự án trên là 7.634 tỷ đồng. Nhưng thời điểm đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đưa dự án vào danh sách các dự án chưa triển khai thực hiện sau 3 năm để trình UBND TP.HCM đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất của quận 1.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại kiến nghị UBND TP.HCM đưa dự án trên vào Danh mục dự án có sử dụng đất trên địa bàn quận 1 năm 2019, rồi tiếp tục kêu gọi đầu tư cho đến khi HĐND hủy bỏ.
Tương tự, dự án khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (0,36 ha) cũng đã quá 3 năm chưa triển khai, do UBND TP.HCM chưa lựa chọn được nhà thầu và phải chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Công khai, minh bạch sẽ hạn chế quy hoạch treo
Ngoài 2 dự án đắc địa kể trên, vừa qua, HĐND TP.HCM cũng hủy bỏ nhiều dự án khác, đáng chú ý là tại quận 2 - khu vực đang sốt nóng bậc nhất của khu Đông, có duy nhất một dự án “treo” và bị “khai tử”. Đó là Khu nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ, khách sạn, văn phòng cao tầng Hồng Quang nằm ở đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, diện tích 9,68 ha.
Dự án có các chức năng đất ở kết hợp thương mại; đất hỗn hợp; đất thương mại - dịch vụ kết hợp văn phòng cho thuê, khách sạn; đất công viên cây xanh và đất công trình công cộng. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư Hồng Quang đã được UBND TP.HCM công nhận là chủ đầu tư Dự án từ ngày 20/5/2014, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Trên địa bàn TP.HCM hiện có trên 1.000 dự án treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu, nhưng chủ đầu tư chưa tiến hành xây dựng. Trong hơn 5 năm qua, Thành phố đã thu hồi gần 600 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, với tổng diện tích khoảng 5.900 ha. Trong số đó, đã tổ chức bán đấu giá một số khu đất, thu về cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, các dự án khu biệt thự Sanctuary Cove (chủ đầu tư là Công ty TNHH liên doanh Belwynn – Hưng Phú) tại quận 9; khu chung cư Mỹ Thịnh Phú (Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Thịnh Phú); khu chung cư Cienco 585 (Công ty cổ phần Xây dựng công trình 585)... cũng được thông qua chủ trương thu hồi do “treo” nhiều năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, theo luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), là do chủ đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc thiếu nguồn lực, thiếu vốn và kinh nghiệm triển khai. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép thực hiện dự án, nhưng không thực hiện, mà chỉ nhằm chào bán đất kiếm lời.
Trong cuộc họp mới đây của TP.HCM về việc xử lý dự án treo, lãnh đạo Thành phố cũng thừa nhận, nhiều trường hợp, dự án đã được chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá.
Nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng dự án treo là do hàng trăm dự án phát triển nhà ở tại Thành phố không được chấp thuận chủ trương đầu tư, bởi quy định giữa Luật Nhà ở và Luật Đất đai không đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc cơ quan nhà nước chưa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng) để thực hiện dự án bất động sản cũng đang là điểm nghẽn lớn khiến dự án bị treo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: