Khu công nghiệp Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn
Trong các KCN của Thừa Thiên - Huế hiện đã có 7 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng với diện tích thuê đất 717,46 ha, trong đó có có 2 dự án FDI, vốn đăng ký gần 1.324 tỷ đồng, vốn thực hiện 274,8 tỷ đồng. KCN Phú Bài đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất giai đoạn 1, 2. Giai đoạn 3, 4 tại đây đang được Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quý Huế thực hiện các hạng mục san ủi mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện với vốn thực hiện trong năm 2012 là 30 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Prime Thiên Phúc đang tích cực triển khai hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu B khu công nghiệp Phong Điền.
Hiện nay, cả 6 khu công nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mới thu hút 78 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 15.864 tỷ đồng; trong đó, có 40 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tập trung hầu hết ở KCN Phú Bài và Phong Điền. Còn lại các KCN khác như: La Sơn, Phú Đa, Tứ Hạ, Quảng Vinh đang để đất trống là chủ yếu.
Từ nhiều năm nay, các KCN này vẫn loay hoay tìm nhà đầu tư, trong khi hạ tầng ở các KCN này vẫn chưa được xây dựng. Đợi mãi không thấy KCN triển khai, đất bỏ hoang lâu ngày, nên người dân quay lại trồng sắn, trồng mía để kiếm thêm thu nhập.
Hơn nữa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp dần khiến dân thiếu đất sản xuất trầm trọng. Đây là một trong những lý do dẫn đến diện tích nhiều KCN ở Thừa Thiên - Huế bị dân lấn chiếm để trồng rừng, cây công nghiệp ngắn ngày khác.
KCN La Sơn được hình thành từ năm 2009 với diện tích 300ha, nhưng đến nay chỉ có nhà máy chế biến xỉ Titan của Công ty Khoáng sản Thừa Thiên - Huế đến đầu tư. Trong khi có đến 100 hộ dân trong vùng bị thu hồi đất, mỗi hộ từ 1-2ha đất trồng rừng kinh tế. Phần lớn diện tích rừng trước đây đều giao cho dân với thời hạn 50 năm. Bình quân mỗi ha rừng kinh tế, người dân thu lãi từ 5-7 triệu đồng/năm, nếu bị thu hồi, người dân sẽ mất đi một nguồn thu lớn từ sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài.
KCN Quảng Vinh được thành lập vào năm 2009 với diện tích 150ha, nhưng đến nay vẫn chưa có một dự án nào đến đầu tư; trong khi có tới 5 trang trại sản xuất trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm trong diện tích quy hoạch...
Đối với các dự án đã được cấp phép, Ban quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các dự án đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng KCN. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư dự án thứ cấp xây dựng nhà máy, đồng thời huy động các nguồn vốn để xây dựng các hạ tầng ngoài hàng rào, phục vụ cho các dự án trong KCN.
Biện pháp để thu hút các dự án đầu tư vào các KCN ở Thừa Thiên - Huế là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như tăng cường các dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là công tác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án và các doanh nghiệp trong KCN.
Bên cạnh đó, để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, các KCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiến hành quy hoạch và phân kỳ đầu tư, mở rộng quy mô theo từng giai đoạn, tránh quy hoạch "treo" như hiện nay. KCN Phú Bài qua 4 lần mở rộng mới đạt diện tích 818,8 ha. Trong khi nhiều KCN khác vội lên quy hoạch "treo" và tiến hành thu hồi đất ngay từ khi chưa có hạ tầng để thu hút đầu tư, gây bức xúc bởi dân trong vùng lại đang thiếu đất để sản xuất...
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: