Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là chủ trương được ban hành từ nhiều năm, nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Hàng loạt dự án thuộc chương trình này đã được phê duyệt, tuy nhiên số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chiếm tỷ lệ rất thấp.
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với bộ phận lao động thu nhập thấp, đối tượng nghèo trong xã hội. Ảnh: TL
Mới đây Bộ Xây dựng lại có thêm Đề án xây dựng mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội nhằm mục đích góp phần tháo gỡ khó khăn cho cả đối tượng được mua nhà cũng như doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thực thi dự án xây dựng nhà ở xã hội.Đề án xây dựng mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở còn phải chờ ý kiến của Chính phủ, nếu được chấp thuận, sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận phản biện về một số nội dung của Đề án này. Riêng điều khoản mức đóng Quỹ, theo nhận xét của nhiều chuyên gia quản lý cũng như của giới kinh doanh bất động sản, đưa ra quy định như trong Đề án là đánh đố người nghèo.
Đưa điều khoản quy định mức đóng quỹ áp vào cuộc sống hiện thời, quả đúng là chẳng khác gì đánh đố người thu nhập thấp. Đề án của Bộ Xây dựng đưa ra mức đóng quỹ với quy định như sau: mức đóng quỹ thấp nhất vào khoảng 30% trong tổng số tiền để mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; thời hạn đóng góp thực hiện trong 5 năm. Khi hội đủ 2 điều kiện như vậy, người tham gia Quỹ tiết kiệm mới được vay tiền từ Quỹ này để mua nhà. Quy định như vậy là bảo đảm nguyên tắc cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi. Vấn đề đáng quan tâm là quy định này đưa vào cuộc sống có khả thi hay không. Với điều kiện thu nhập như hiện thời của số đông người lao động (nhất là bộ phận thu nhập thấp) quy định trên đây rất khó thực hiện, thậm chí là không thể thực hiện. Để mua được một căn hộ trị giá khoảng 500 triệu đồng, theo quy định nói trên, đối tượng thu nhập thấp phải "trường kỳ” đóng vào Quỹ tiết kiệm liên tục trong 5 năm, bình quân mỗi tháng từ 2-3 triệu đồng. Đó là mức đóng góp bắt buộc, kể cả số tiền cũng như thời hạn thực hiện. Vấn đề đặt ra là, với những người thuộc diện thu nhập thấp, lấy đâu ra bình quân mỗi tháng hơn 2 triệu đồng để đóng vào Quỹ tiết kiệm nhà ở. Tài liệu điều tra xã hội học cho biết, người thu nhập thấp sử dụng hơn 90% trong tổng mức thu nhập để chi dùng cho cuộc sống tối thiểu hàng ngày; còn lại (chưa được 10%) dự phòng khi đau ốm hoặc những rủi ro bất thường. Gần đây, thông qua điều tra thực tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra kết luận "chua chát” nhưng hoàn toàn đúng với thực tế: lương tối thiểu chỉ bảo đảm được khoảng 60% mức sống tối thiểu. Trong điều kiện như vậy, người thu nhập thấp lấy đâu ra mỗi tháng hơn 2 triệu đồng gửi vào Quỹ tiết kiệm nhà ở. Khi đưa ra điều khoản quy định này, hình như Bộ Xây dựng không biết trong xã hội còn 1 bộ phận lao động thu nhập thấp đến mức sống dưới mức bình thường còn khó chứ đừng nói tích trữ tiền bạc để mua nhà. Khi biết Bộ Xây dựng đưa ra điều khoản quy định trên đây, không ít người lao động thu nhập thấp phản ứng một cách hài hước: ăn một ngày nhịn một ngày, chỉ có cách đó may ra có tiền đóng vào Quỹ tiết kiệm để sau đó 5 năm mới được mua nhà dành cho người nghèo.
Cả về trách nhiệm cũng như đạo lý, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với bộ phận lao động thu nhập thấp, đối tượng nghèo trong xã hội. Vấn đề khác nhau là ở chỗ, ban hành để thực hiện, tạo lợi ích thiết thực hay là xây dựng chính sách chỉ để ban hành cho có, thực hiện được hay không thì không cần biết. Làm chính sách thực sự vì dân với việc đưa ra các quy định mang tính đánh đố người dân, đó là 2 cách làm khác nhau về bản chất.