Hồi giữa năm nay, tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã không được chủ đầu tư nhà máy xử lý triệt để, bụi tro xỉ phát tán ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn người dân địa phương tại huyện Tuy Phong.
Được biết mỗi ngày nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra môi trường hàng ngàn tấn xỉ than và hiện chỉ được lưu giữ tại bãi chứa, phủ bạt và tưới nước để hạn chế phát tán gây ô nhiễm chứ chưa có phương án xử lý, tái chế căn cơ và hiệu quả.
Trao đổi với TBKTSG mới đây, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay đã có 12 nhà đầu tư đăng ký muốn xây nhà máy sản xuất gạch không nung từ tro xỉ than nhiệt điện. Tuy nhiên hiện nay phương án tái chế tro xỉ vẫn chưa ngã ngũ bởi vì Tổng Công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2) đang tính toán cách xử lý tro xỉ này để họ có lợi nhất: hoặc là bán tro xỉ than cho các nhà máy để sản xuất gạch không nung, hoặc đóng kiện để xuất khẩu đi nước ngoài.
Tro xỉ tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Ảnh: TL.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc mua nguyên liệu tro xỉ là do doanh nghiệp và chủ nguồn thải tro xỉ tự thỏa thuận với nhau. Sau khi nhà đầu tư nào thương thảo mua được nguyên liệu tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xong thì chính quyền tỉnh sẽ tạo điều kiện về đất đai để doanh nghiệp xây nhà xưởng sản xuất gạch không nung.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống điện quốc gia (quy hoạch điện 7), trong vài năm tới Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại Bình Thuận sẽ có tổng cộng 4 nhà máy nhiệt than với công suất trên 5.600 MW, tiêu thụ một lượng lớn than và hàng năm thải ra môi trường lượng tro xỉ lên đến trên 5 triệu tấn. Nếu không sớm có phương án xử lý, tái chế sử dụng nguồn nguyên liệu này làm sản phẩm vật liệu xây dựng thì hiểm họa về ô nhiễm môi trường cho vùng đất huyện Tuy Phong nơi đặt các nhà máy nhiệt điện sẽ vô cùng khó lường.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận ngày 12-9 vừa qua, đã có nhà đầu tư đề nghị được đầu tư một dự án sản xuất gạch không nung sử dụng xỉ than thải ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trả lời rằng nguyên liệu làm gạch không nung là xỉ than không thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương mà thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mặc dù tỉnh rất muốn có nhà đầu tư xây nhà máy sử dụng xỉ than, góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại địa phương.
"Nếu nhà đầu tư thỏa thuận với chủ đầu tư nhiệt điện thành công thì tỉnh sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Bởi đây là loại hình sản xuất đặc thù nên tỉnh Bình Thuận sẽ xác định vị trí thuận lợi cho nhà đầu tư xây nhà máy sản xuất gạch không nung, có thể bên trong hoặc ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh," ông Phương nói.
Hiện cả nước có 18 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động sử dụng gần 50 triệu tấn than mỗi năm và lượng tro xỉ thải ra cũng lên đến hàng triệu tấn (lượng xỉ than thải ra môi trường chiếm 15% tổng lượng than tiêu thụ).
Theo Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, hiện nay chỉ có nhà máy nhiệt điện Phả Lại đã tận dụng tro xỉ than để xử lý lại làm thành vật liệu xây không nung, làm phụ gia cho bê tông đầm lăn xây dựng các công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và một số các công trình thủy điện khác; còn lại nhiều nhà máy nhiệt điện khác vẫn chưa có động tĩnh gì trong việc tái sử dụng nguồn chất thải này khiến nguồn thải tro xỉ ngày càng ún ứ, chất đống.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: