Cố giữ đất
Theo Cục Quản lý công sản, trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động hiện nay chiếm khoảng 1,5 tỉ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có hơn 100.000 m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Xét về giá trị, số nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (gọi chung là DN Nhà nước) hiện chiếm đến 97,2% giá trị tài sản DN Nhà nước.
Riêng các DN Nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất và ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Điển hình là trụ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại số 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội hoặc Tổng Công ty Đường sắt tại số 136 Hàm Nghi, quận 1 – TPHCM.
Mặc dù chiếm giữ những mặt bằng đắc địa nhưng nhiều DN Nhà nước không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh. Nhiều DN lợi dụng giá thuế thấp, chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lời. Thậm chí, có hiện tượng bị chiếm dụng hoặc bỏ trống nhà đất, trong khi các thành phần kinh tế khác thiếu mặt bằng để sản xuất kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách mang tính giải pháp như sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và di dời theo quy hoạch...
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành, DN cố giữ đất. Đơn cử Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) có đến 1.200 ha chưa sử dụng, mặc dù tập đoàn này thiếu vốn để tái cơ cấu, phát triển sản xuất kinh doanh nhưng không tự giác sắp xếp lại nhà đất; không đề xuất bán để tạo nguồn. Thay vào đó, Vinashin chỉ đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản.
“Đất vàng” xây dựng trụ sở là lãng phí
Tính đến tháng 12-2011, đã có 71 bộ, ngành Trung ương, 17 DN Nhà nước và 51 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng diện tích 3,4 tỉ m2 đất và 106 triệu m2 nhà.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý công sản, các đơn vị được giao đất chưa đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên trên hết mà chủ yếu đối phó với cơ quan Nhà nước để giữ lại nhiều nhà đất nên các phương án đề xuất xử lý không phù hợp và không có tính khả thi. Trong quá trình hình thành các tập đoàn, tổng công ty đa ngành, nhiều DN đã lợi dụng chính sách ưu đãi về đất (tiền cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng đất trên thị trường) để kinh doanh bất động sản nhằm hưởng chênh lệch.
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cho biết trong điều kiện tăng thu ngân sách Nhà nước chỉ ở mức giới hạn thì việc khai thác các nguồn lực tài chính từ đất đai cần phải đặc biệt coi trọng. Cục Quản lý công sản đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh để khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Trong đó, cục đề xuất từng bước xóa bỏ ưu đãi thông qua việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính và thuế đất đối với các DN Nhà nước để tạo sự bình đẳng, minh bạch giữa các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Đình Cường nhấn mạnh “đất vàng” đem lại giá trị thương mại cao, tiếp tục để xây dựng trụ sở làm việc là lãng phí, nên cho phép chuyển nhượng cho các đơn vị có khả năng làm thương mại theo đúng quy hoạch của địa phương.
Tăng thu cả trăm ngàn tỉ đồng Với hàng loạt đề xuất của mình, Cục Quản lý công sản dự báo nguồn thu từ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước sẽ tăng đáng kể. Cụ thể, số thu từ việc cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tăng thêm khoảng 1.465 tỉ đồng; số thu từ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch tăng khoảng hơn 18.000 tỉ đồng; số thu từ bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tăng hơn 3.800 tỉ đồng. Riêng số thu từ sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ của Thủ tướng Chính phủ sẽ thêm khoảng 100.000 tỉ đồng. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: