Trong khi hầu hết các khu chung cư không đáp ứng được nhu cầu mua sắm, vui chơi cho cư dân, việc các chung cư cho thuê căn hộ để làm nhà hàng, kinh doanh karaoke, quán bar... lại bị phạt tiền lên tới 60 triệu đồng. Xử phạt, không cấm, cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động, nhiều người nghi ngờ việc nghị định đưa ra chỉ để huy động thêm tiền từ dân.
Dân chung cư thiệt đơn, thiệt kép
Nghị định 121 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở được Thủ tướng ký ban hành có hiệu lực vào ngày 30/11.
Trong đó, nội dung xử phạt 50-60 triệu đồng đối với chung cư sử dụng làm nhà hàng, quán bar, sửa chữa xe máy… khiến chủ cửa hàng loay hoay, doanh nghiệp và người dân không đồng tình.
Khảo sát tại các khu chung cư thuộc khu vực Mỹ Đình (Từ Liêm), Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân), Đại Kim (Hoàng Mai), Xa La (Hà Đông)… hầu hết tầng 1 các tòa nhà chung cư đều được sử dụng làm quán cà phê, quán ăn, các cửa hàng bán quần áo, giày dép, thuốc… thậm chí kinh doanh quán bar.
Phạt 50-60 triệu đồng đối với chung cư sử dụng làm nhà hàng, quán bar, sửa chữa xe máy…
Hợp đồng thuê nhà được ký thông qua một chủ khác nên các chủ cửa hàng càng băn khoăn về việc bị phạt hay không bị phạt.
Một chủ cửa hàng cà phê, cơm văn phòng tại tòa nhà CT4, Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng: “Hợp đồng được ký với một chủ nhà là người của tòa nhà, thời hạn còn hơn 1 năm, không biết có bị xử phạt hay không xử phạt. Mức phạt 60 triệu quá chát, nếu bị phạt chắc phải dọn tiệm trước”.
Chị Lan, một người dân sống tại tầng 8, nhà N3B Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc phạt hay cấm những nhà hàng, cửa hàng tại khu chung cư là vô lý vì hoạt động của các quán nhà hàng ngay dưới chân chung cư và những cửa hàng tại các khu chung cư xung quanh rất tiện lợi.
“Họ không gây ồn ào, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của mình thậm chí mình còn sử dụng những dịch vụ của họ. Cấm hết những cửa hàng, quán ăn hoạt động ở khu chung cư này, sẽ chỉ có mấy tòa nhà chung cư, mua sắm ăn uống phải đi xa, không một ai muốn điều này”, chị Lan nói.
Quanh tòa nhà N3B là rất nhiều cửa hàng ăn uống, các quán cà phê kinh doanh tại tầng 1 của các tòa chung cư.
Cũng theo chị Lan, nếu cá nhân và doanh nghiệp vi phạm như không giữ vệ sinh, không gọn gàng, hoạt động quá giờ mới đáng bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Bà Nguyễn Vân Ngọc, sống tại khu nhà CT5- ĐN1 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nếu cấm các cửa hàng, quán ăn ở chung cư, sẽ khó cho các hộ dân.
“Tại sao trước đây không xây dựng một khu nhà chuyên kinh doanh hàng ăn, quán cà phê, quán karaoke… để người dân sử dụng. Khi dân tự làm để phục vụ cư dân lại cấm, phạt. Như vậy quá thiệt cho dân”, bà Vân nói.
Chị Hoàng Oanh, người dân sống tại khu chung cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thiệt đơn thiệt kép vì sống trong khu chung cư khi công viên, vừa hoa, khu vui chơi không có.
“Chợ Nam Trung Yên lại xập xệ chỉ có 2 mái che bằng tôn, còn lại được che bằng bạt, ngày mưa nhếch nhác, bẩn thỉu. Mong có cửa hàng, quán ăn chưa được, giờ đã ra lệnh phạt, ai dám đầu tư”, chị Oanh nói.
Phạt để huy động tiền?
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, Nghị định được thông qua do muốn siết chặt hoạt động của nhà hàng, quán bar tại các khu chung cư tuy nhiên muốn phạt phải phân biệt rõ ràng những điểm khác nhau giữa các nhà hàng.
“Hiện nay, nhiều chung cư dùng tầng trệt kinh doanh dịch vụ thương mại như quán ăn, quán cà phê, quán bar phục vụ cộng đồng dân cư của chính tòa nhà, không thể cấm được”, ông Nguyễn Văn Đực nói.
“Theo tôi, chỉ khi cư dân sống trong tòa nhà phản đối về hoạt động của các nhà hàng thương mại mới có hình thức xử phạt hoặc cấm còn những dịch vụ nhà hàng, quán ăn gắn với đời sống của người dân thì phải cho phép nó tồn tại. Việc kinh doanh cửa hàng ở chung cư, người dân ủng hộ nhiều hơn là phản đối”, ông Đực nói.
Dưới chân các tòa nhà chung cư là các cửa hàng, quán cà phê, cửa hàng sửa xe máy phục vụ cư dân của khu chung cư
“Thêm nữa, với hình thức phạt tiền ngay sau đó các cửa hàng vẫn hoạt động, phải chăng nhà nước đã quá thiếu tiền nên nghĩ đủ cách phạt để huy động thêm tiền từ doanh nghiệp, người dân”, ông Nguyễn Văn Đực cho biết thêm.
Ông Đực tiếp tục dẫn quan điểm về việc cấm văn phòng hoạt động tại các khu chung cư hơn 3 năm trước. Bộ Xây dựng cũng đã từng đưa ra quy định cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, nhưng sau đó đã phải điều chỉnh nhằm phù hợp với thực tế.
“Tôi ủng hộ mở dịch vụ văn phòng với điều kiện không đông. Chủ văn phòng vừa là dân vừa là chủ doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu giao dịch qua mạng, tiết kiệm được chi phí hoạt động, khách hàng không đến đông. Bán hàng qua mạng hay giao dịch qua mạng sẽ chỉ có 2-4 nhân viên thì nên chấp nhận”, ông Đực nói.
Theo các chuyên gia, để xử lý vấn đề trên, bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền cao hơn nên tính đến việc quy định 3 nhóm điều kiện: Điều kiện cụ thể nhà ở như thế nào thì có thể được sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh; loại hình ngành nghề, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh được phép tiến hành tại nhà ở; các đòi hỏi cụ thể mà chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải đáp ứng trong quá trình sản xuất kinh doanh tại nơi nhà ở đó.
Mới đây, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ. Tuy nhiên, dự định này sau đó đã phải bãi bỏ, không có trong danh mục hành vi bị phạt, nhưng lại có điều khoản: Xử phạt đến 4 triệu đồng cho hành vi: Cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc cho thuê nhà ở mà không lập hợp đồng theo quy định.