Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe cùng lúc 7 phương án thiết kế kiến trúc, quy hoạch xây dựng và một số chủ trương đầu tư các dự án. Đối với 2 khu đất ký hiệu DLDC2 và DLDC3 tại mặt tiền đường Trường Sa, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn có diện tích 1,56ha, Cty CP ĐTXD Bắc Nam 79 đề nghị tăng mức đầu tư xây dựng từ 20 lên 60% (theo quy định mật độ xây dựng tại khu vực là 20%).
Về đề nghị này, Sở Xây dựng cho rằng, đây là khu đất được quy hoạch đất thương mại-dịch vụ, không tiếp giáp với biển nên có thể xem xét điều chỉnh mật độ từ 20 lên 40% và đề nghị TP giao Hội đồng thẩm định giá đất xem xét đề xuất lại giá nhận quyền sử dụng đất phù hợp với mật độ điều chỉnh mới.
Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch khu TĐC phục vụ giải tỏa Dự án đường Hoàng Văn Thái nối dài có diện tích 8,95ha, Cty CP Địa Cầu được giao BT đề nghị điều chỉnh đưa ra ngoài ranh giới khu vực mỏ đá đang khai thác, mở rộng ranh giới về phía Đông đường vào Viện Nguyên tử để đảm bảo số lô đất TĐC (359 lô).
Trên cơ sở ý kiến của Sở Xây dựng, đồng chí Văn Hữu Chiến đã thống nhất chủ trương và giao cho Viện Quy hoạch nghiên cứu điều chỉnh có xem xét đến phương án xử lý kỹ thuật cho phù hợp. Trong phương án điều chỉnh quy hoạch vệt đất dọc tuyến đường ĐT602 giáp KCN Thanh Vinh, Hội đồng GPMB đề nghị điều chỉnh chia lô đất quy hoạch trường mẫu giáo để bố trí TĐC 2 lô.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu Dương Thành Thị cho biết, quận đã chọn vị trí xây dựng Trường Mẫu giáo tại Khu TĐC Đa Phước 3 và không có nhu cầu đầu tư Trường Mẫu giáo tại vệt 25m mặt tiền đường ĐT602. Riêng đối với việc điều chỉnh ranh giới sử dụng đất Khu đô thị Phước Tường, có tổng diện tích 438,82ha, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã đồng ý với đề xuất các phương án đưa ra nhưng đặc biệt lưu ý phải tính toán lộ trình liên quan đến khu đô thị, đặc biệt lưu ý đến đất quốc phòng.
Đề cập đến hiện trạng, quy hoạch, phương án điều chỉnh hướng tuyến đường Hoàng Văn Thái liên quan đến Đình làng Đại La, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ khẳng định, dù chọn phương án nào đi chăng nữa thì Sở VH-TT&DL chủ trì cùng với Sở Xây dựng và địa phương phải tổ chức họp dân công khai phương án trước khi trình UBND TP Phê duyệt và phải làm ngay trong tháng 3-2014.
Chủ trương mở rộng Khu du lịch Suối Đôi của Cty CP Đầu tư DHC được bàn thảo nhiều nhất. Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch HĐQT DHC đề nghị được hợp tác với Cty CP Cáp treo Bà Nà để đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Suối Đôi và mỏ khoáng nóng tại xã Hòa Phú; đồng thời đề nghị mở rộng thêm khoảng 88,6 ha về phía Nam và Tây Nam (dọc theo sông Luông Đông), kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng và cam kết sẽ đưa vào sử dụng trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, trong thực tế tại khu vực đề nghị mở rộng hiện đang có KDL thể thao nghỉ dưỡng sinh thái Hòa Phú Thành mở rộng, khoảng 10ha; KDL sinh thái Suối Đôi và cơ sở sản xuất nước khoáng nóng tinh khiết của Cty TNHH Tấn Đạt; KDL Ngầm Đôi đều đang hoạt động.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ nhấn mạnh, trước nhiều luồng ý kiến khác nhau của các chủ đầu tư, Sở TN-MT cùng với UBND H.Hòa Vang cho tiến hành rà soát lại tất cả các dự án đang triển khai trong khu vực này về mục đích sử dụng, việc chuyển nhượng đất. 2 nhà đầu tư DHC và Hòa Phú Thành nhất thiết làm phương án với nội dung xác định quy mô đầu tư dự án, thời gian triển khai và đặt ra giới hạn là trong năm 2014 để Sở KH-ĐT và Sở Xây dựng thẩm định giúp TP có cơ sở xem xét phê duyệt.
Đối với chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội giá trung bình có thu tiền sử dụng đất của Cty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, giao Sở Xây dựng rà soát những tồn tại của Vicoland và có báo cáo sớm để TP có quyết định giao hoặc không giao 2,1 ha thuộc KDC Nam cầu Trần Thị Lý, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn cho Vicoland...
Trung tâm Hành chính - điểm nhấn kiến trúc TP Đà Nẵng.
Công tác quy hoạch chọn địa điểm đối với 14 đề mục được nêu ra hầu hết được lãnh đạo TP thống nhất với đề xuất như: địa điểm xây dựng cơ sở dưỡng lão TP Đà Nẵng, mở rộng Trường Mầm non Hòa Nhơn, địa điểm thuê đất của HTX Cựu Chiến binh Sản xuất dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bảo An, địa điểm mở rộng Xưởng may công nghiệp Hòa Quý; địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu của Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh; địa điểm xây dựng trụ sở Phòng CSPCCC Q.Thanh Khê; địa điểm xây dựng Chợ Tân An và chợ mới KV Hòa Phát; địa điểm xây dựng sân bóng đá mini của Cty TNHH Hoàng Quân Phương; địa điểm xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học; địa điểm bố trí trụ sở của CLB Thái Phiên và Trung tâm thể thao người cao tuổi…
Tuy nhiên, lãnh đạo TP đã yêu cầu các công trình này cần phải được triển khai sớm. Riêng Xưởng may công nghiệp Hòa Quý do nằm trong KDC nên đồng chí Văn Hữu Chiến không chỉ yêu cầu cam kết đầu tư xây dựng sớm mà còn phải đảm bảo các yếu tố về môi trường.
Về quy hoạch Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá mới tại khu vực vịnh Mân Quang, nhiều ý kiến chưa đồng tình với địa điểm này và cho rằng cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng thể vì với đề xuất địa điểm như hiện nay sẽ phá vỡ cảnh quan du lịch và dễ gây ô nhiễm môi trường.
Cuộc họp cũng đã thống nhất địa điểm bố trí Trung tâm Văn hóa TP và sẽ mời các đơn vị tư vấn nước ngoài có năng lực tham gia thi phương án kiến trúc đối với cụm công trình bao gồm cả Nhà hát TP và Trung tâm Văn hóa TP.
Riêng việc đầu tư cho các công trình văn hóa như Thư viện Khoa học tổng hợp mới, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật, Thư viện cũ, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… theo ý kiến của đồng chí Trần Thọ là, tập trung triển khai trong năm nay thông qua nguồn vốn dự phòng của TP.
Đồng chí Bí thư Trần Thọ nhấn mạnh, bất cứ đồ án quy hoạch, kiến trúc nào trong hiện tại và tương lai cần hướng đến mục tiêu đảm bảo cảnh quan và môi trường, phải góp phần làm cho Đà Nẵng đẹp và sạch hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: