Về hướng dẫn điều kiện hạ tầng, Sở TN&MT TP.HCM đang lấy ý kiến của đơn vị, tổ chức có liên quan, từ đó có hình thức điều chỉnh cho phù hợp.
“Dự thảo quyết định thay thế Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 9-11) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và hiệu quả quản lý đất đai. Không có tổ chức, cá nhân nào có thể vận động tác động chính sách để làm khó người dân tách thửa” - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, khẳng định.
Theo dự thảo, đất ở thuộc “quy hoạch khu dân cư hiện hữu hoặc khu dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới thì mới được tách thửa”. Theo thống kê, quy hoạch các loại khu dân cư như trên hiện chiếm tỉ lệ rất ít. Chưa kể thực tế có những khu dân cư đã hình thành nhưng khi lập quy hoạch cơ quan chức năng không đưa vào và phê duyệt là khu dân cư hiện hữu. Vậy quy định này có phù hợp thực tế?
Quan điểm xuyên suốt của TP (thông qua các quyết định 19/2009, 54/2012, 33/2014) là việc tách thửa đất ở phải phù hợp quy hoạch đất ở thuộc khu dân cư hiện hữu. Còn đất thuộc quy hoạch xây dựng mới thì cần phải có dự án đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ nhằm xây dựng một khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Mặt khác, trong thời gian qua các quận, huyện đều căn cứ vào yếu tố quy hoạch khu dân cư hiện hữu để giải quyết. Do đó, tại dự thảo lần này việc xác định cụ thể về căn cứ quy hoạch là không mới.
Theo dự thảo, đất ở thuộc “quy hoạch khu dân cư hiện hữu hoặc khu dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới” mới được tách thửa. Ảnh: HTD
Tuy nhiên, để quy định nêu trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quản lý tách thửa đất tại quận, huyện, Sở TN&MT sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thiện và trình UBND TP ban hành.
Dự thảo không cho phép hộ gia đình, cá nhân tách thửa đối với đất dân cư xây dựng mới mà phải chờ làm theo hình thức dự án. Có ý kiến cho rằng quy định này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tiền đi thu gom đất của dân. Và việc siết như vậy là do có tác động từ các doanh nghiệp bất động sản. Sở trả lời như thế nào?
Việc ban hành quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa nhằm cụ thể hóa pháp luật đất đai. Quá trình xây dựng, góp ý và ban hành phải đảm bảo đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không một tổ chức, cá nhân nào có thể vận động để tác động nhằm hạn chế quyền, lợi ích hay gây khó khăn cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Nhà nước ban hành quy định về tách thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân là nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở do tách hộ để giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Còn tách thửa nhằm kinh doanh bất động sản phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.
Những khu vực đất ở theo quy hoạch cũng là khu dân cư nhưng do không có chữ “hiện hữu” nên không được tách thửa (như quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, khu hỗn hợp…)? Người dân còn đề nghị Nhà nước nên có hướng dẫn về điều kiện tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật khi tách thửa. Ý kiến của Sở về đề nghị này?
Quy định về tách thửa đất qua các thời kỳ đều quy định việc tách thửa chỉ thực hiện đối với đất khuộc khu dân cư hiện hữu, phù hợp quy hoạch đất ở dân cư hiện hữu, đảm bảo thuộc khu vực có hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ. Đối với các khu vực không thuộc khu dân cư hiện hữu, không phù hợp quy hoạch đất ở, chưa có hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh thì cần phải thực hiện theo hình thức đầu tư dự án.
Về hướng dẫn điều kiện hạ tầng, Sở TN&MT đang lấy ý kiến của đơn vị, tổ chức có liên quan, từ đó có hình thức điều chỉnh cho phù hợp. Sở sẽ báo cáo UBND TP giao sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể.
Đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, dự thảo có bổ sung quy định giao cho các quận, huyện giải quyết theo cơ chế tổ liên ngành cho từng trường hợp cụ thể. Quy định mở như trên liệu có thể dẫn đến tình trạng không thống nhất trên toàn TP?
Việc đề nghị quận, huyện giải quyết tách thửa theo cơ chế tổ liên ngành cho trường hợp tách thửa đất ở hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật nói trên nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, phù hợp thực tiễn. Việc giải quyết của địa phương phải đặt trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, kết nối hạ tầng hiện hữu và xung quanh.
Cũng nói rõ là quy định giao UBND quận, huyện giải quyết từng trường hợp cụ thể chỉ áp dụng đối với các trường hợp đặc thù. Đó là hộ gia đình, cá nhân thuộc chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi thừa kế hoặc có bản án, quyết định của tòa, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo… của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xin cám ơn ông.
Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 10 quy định tại Quyết định 33 hiện hành. Điều này có thể tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc bấy lâu nay trong việc giải quyết tách thửa trên địa bàn TP.HCM + Quyết định 33 nhằm cụ thể hóa pháp luật đất đai (Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai 2013). Quyết định này đã giải quyết được nhu cầu về nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình quản lý cũng cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý tách thửa. Những điểm mới sửa đổi, bổ sung trong dự thảo không hoàn toàn là vướng mắc bấy lâu nay. Có những điểm nhằm hoàn thiện hơn chính sách pháp luật về quản lý tách thửa và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi áp dụng. V.HOA |