Tìm câu trả lời cho vấn đề này, phóng viên Tin Tức đã có mặt tại KCN đạt tiêu chuẩn môi trường nêu trên.
Mục sở thị việc phát triển hạ tầng của KCN sản xuất gỗ này, dù quan điểm có “thoáng” thế nào đi nữa cũng không thể đồng ý với ITD đây lại là KCN. Bởi trong cái gọi là KCN này, nhà xưởng sản xuất thì ít mà nhà ống, nhà nghỉ, biệt thự… thì nhiều.
Theo một cán bộ phường Đồng Kỵ, khi họp dân, chủ đầu tư và chính quyền hứa như đinh đóng cột: KCN lập ra là để phục vụ dân làng nghề, cải thiện môi trường sống và sản xuất. Những hộ có nhu cầu sẽ được ưu tiên vào KCN. Và trong bản phê duyệt quy hoạch của KCN cũng đã quy định, chủ đầu tư phải làm hoàn chỉnh hạ tầng, xây nhà xưởng xong (phần thô) gồm 1/2 làm xưởng, 1/2 làm nhà trưng bày sản phẩm rồi mới được phép cho người có nhu cầu thuê.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, người mua đất trong KCN này là dân tứ xứ. Vì mua đất với mục đích không phải để sản xuất nên hiện nay mạnh ai nấy xây các kiểu, loại nhà ở hoặc thoải mái mua đi, bán lại ăn chênh.
Anh Nguyễn Văn Tâm, chủ lô đất số 68- 69 cho biết, anh mua đất trực tiếp của Công ty ITD và họ không đặt ra yêu cầu phải là đối tượng có nhu cầu đất phục vụ sản xuất mới bán, cứ có tiền là mua được. “Vì đất KCN được bán vô điều kiện nên người có tiền thi nhau vào mua, đẩy giá lên rất cao. Hiện nay, khu vực đất giáp mặt đường lớn, chỉ 150 m2 đã có giá 8 tỉ đồng (gần 60 triệu đồng/m2). Khu vực trong KCN, mặt đường 10 m cũng khoảng 14 – 15 triệu đồng/m2”. Anh Tâm nhẩm tính, toàn bộ KCN rộng 30 ha, hiện mới làm được 20 ha, còn 10 ha nữa vẫn đang GPMB. Với giá hiện nay, họ mà GPMB xong và bán thì lãi “khủng”.
Dân bức xúc
“Dù họ có thỏa thuận bồi thường hơn 540 triệu đồng/sào tôi cũng không đồng ý!”, bà Sáu Trang, người có hơn 3 sào đất tại khu đồng An Giải (trong diện 10 ha KCN chưa giải phóng được mặt bằng) tuyên bố.
Theo bà Sáu Trang, gia đình của bà gồm 8 hộ với gần 40 khẩu, thu nhập chỉ có hai nguồn là sản xuất nông nghiệp và làm nghề mộc. “Làm nghề thì có lúc đắt hàng, lúc ế. Giữ ruộng là đề phòng lúc sản phẩm gỗ của làng nghề ế thì có cái mà ăn. Còn nếu bị thu hồi hết ruộng, trong khi gỗ ế thì 40 khẩu chúng tôi lấy gì mà sống. Mà ruộng của chúng tôi cấy 2 vụ lúa, 1 vụ màu chứ có phải ruộng không sản xuất được đâu?”, bà Sáu Trang khẳng định.
Ông Dương Văn Phúc, cán bộ Ban quản lý KCN phường Đồng Kỵ bức xúc, KCN khởi công năm 2003, khi đó bồi thường đất nông nghiệp cho bà con chưa đến 100.000 đồng/m2 (khoảng 26 – 28 triệu đồng/sào). San lấp tí mặt bằng, làm đường xong, họ bán ra tới 6 triệu đồng/m2. Nay họ thỏa thuận với dân tăng lên tới 540 triệu đồng/sào, nhưng tính ra cũng chưa đến 2 triệu đồng/m2. Làm hạ tầng thêm khoảng 2 triệu đồng/m2 nữa, họ lại bán với giá từ 10 đến 50 triệu đồng/m2.
“Anh vào trong làng mà xem, còn tới 2/3 hộ sản xuất của chúng tôi vẫn đang phải vừa ăn, ở vừa sản xuất trên diện tích chỉ khoảng vài chục m2. Có nhiều gia đình, 4 hộ đều ăn, ở, sản xuất trên các diện tích chật chội như thế…”, ông Phúc cho biết.
Chính quyền bất lực?
Đề cập đến thực trạng “bát nháo” trong việc đầu tư và quản lý KCN đạt tiêu chuẩn môi trường do ITD đầu tư, ông Bạch Văn Hiến, quyền Trưởng Ban quản lý các KCN – thị xã Bắc Ninh thừa nhận: Tình trạng xây dựng và quản lý bát nháo trong KCN “đạt tiêu chuẩn môi trường” ở phường Đồng Kỵ là sự thật. Tuy nhiên, cho đến nay Ban quản lý vẫn bất lực vì các chủ đầu tư KCN trên địa bàn không… “hợp tác!”.
Theo ông Hiến, tiếng là Ban quản lý các KCN trên địa bàn nhưng hồ sơ pháp lý của nhiều KCN trên địa bàn phường Châu Khê, Đồng Kỵ, Trang Hạ… chúng tôi đều không có. Lẽ ra khi đầu tư KCN trên địa bàn thị xã, các chủ đầu tư phải báo cáo với Ban quản lý để phối hợp công tác.
Vẫn ông Hiến cho biết, Ban quản lý các KCN thị xã Bắc Ninh thành lập từ năm 2003 nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ chức năng, nhiệm vụ sẽ làm gì, phối hợp với đơn vị nào để phát huy hiệu lực, hiệu quả, dù tên của nó đã thể hiện rất rõ nhiệm vụ.
Riêng chuyện Công ty ITD, địa chỉ của doanh nghiệp này cứ chuyển xoành xoạch, công văn làm việc của chúng tôi gửi xuống toàn bị trả về do không đúng địa chỉ. “Nhiều lần dân địa phương phản ánh, anh em của Ban quản lý xuống làm việc nhưng ITD còn không tiếp. Thế mà chúng tôi không thể làm gì được!”, ông Hiến cũng thể hiện sự bức xúc.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, tới đây, việc đầu tư KCN trên địa bàn là thu hồi đất ở khu vực nào thì chỉ phục vụ làng nghề khu vực đó. Giá thuê đất KCN là do Nhà nước quy định trên cơ sở tính toán đầu vào, đầu ra hợp lý. Việc quản lý xây dựng và hoạt động trong KCN phải đúng với mục đích sử dụng đất. Không thể để tình trạng như hiện nay”, ông Hiến quả quyết.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: