Tầng 1 nhà CT2 được trưng dụng làm trụ sở của Handico 68 trong khi chỗ để xe của các hộ dân được chuyển ra ngoài. Ảnh: Q.H |
Kèm theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư còn trấn an khách hàng bằng các bản quy hoạch chi tiết Dự án Khu chung cư Mễ Trì Thượng với đầy đủ công năng bao gồm: đường giao thông, cấp - thoát nước sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe…, phục vụ các căn hộ tại dự án này. Cụ thể, Quyết định 46/2002/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Dự án Khu chung cư Mễ Trì Thượng có ghi: “Yêu cầu đối với khu nhà ở chung cư cao tầng và các biệt thự khi thiết kế, xây dựng phải đảm bảo nhu cầu đỗ xe cho bản thân các công trình này, chỉ tiêu đất dành cho nhu cầu này được tính vào đất xây dựng công trình” (tiết a.2, Khoản 2, Điều 3, Nội dung Quy hoạch chi tiết).
Điều lệ quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Dự án Khu chung cư Mễ Trì Thượng do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc đó là ông Hoàng Văn Nghiên ký cũng ghi rõ: “Khi thiết kế, xây dựng công trình phải tuân thủ các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã khống chế về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Các nhà ở cao tầng, tầng 1 sử dụng làm dịch vụ công cộng kết hợp chỗ để xe, phục vụ cho bản thân công trình” (Quyết định 47/2002/QĐ-UB ngày 1/4/2002 của UBND TP. Hà Nội).
Tuy nhiên, năm 2007, khi Công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội tiến hành cổ phần hoá, trong phương án cổ phần hoá, Sở Tài chính TP. Hà Nội lại xác định toàn bộ diện tích tầng 1 của Khu chung cư (đã bán cho khách hàng từ trước đó - PV) làm giá trị doanh nghiệp. UBND TP. Hà Nội cũng thống nhất phương án này và đem bán đấu giá tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội vào thời điểm cổ phần hoá và toàn bộ tầng 1 của nhà CT2 (thuộc Dự án Khu chung cư Mễ Trì Thượng) bỗng nhiên trở thành trụ sở của chủ đầu tư Dự án.
Theo ông Đặng Văn Khanh, một khách hàng mua căn hộ tại nhà CT2, việc làm trên đã khiến toàn bộ cư dân tại nhà CT2 mất nhà để xe và phòng sinh hoạt cộng đồng, trong khi Handico 68 nghiễm nhiên được sử dụng phần tài sản đáng lý là của người dân (sau khi tiến hành cổ phần hoá, Công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội được đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội 68 - Handico 68).
“Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và trước đó là Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá”, ông Khanh cho biết.
Khi chúng tôi mang thắc mắc này của người dân đến hỏi chủ đầu tư Dự án, ông Trần Trung Thành, Tổng giám đốc Handico 68, người kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của Giám đốc Công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Trịnh Kim Long cho biết: “Sau cổ phần hoá, Nhà nước giao doanh nghiệp phần vốn nhà nước là 108 tỷ đồng, bao gồm tất cả đất tại tầng 1 của CT2. Do vậy, Công ty có trách nhiệm bảo toàn, phát huy, không được làm mất nguồn vốn của Nhà nước. Công ty cũng phải nộp cổ tức và thực hiện các nghĩa vụ thuế từ giá trị tầng 1 theo quy định, nên bắt buộc phải đưa vào khai thác”. Theo ông Thành, đơn vị không tự ý chiếm tầng 1 toà nhà như phản ánh của người dân, mà đó là do quy định của UBND TP. Hà Nội tại Quyết định 5274/Qđ-UB. Thành phố đã giao và bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo, nếu không làm là doanh nghiệp vi phạm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: