Một góc thành phố biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN
Ngày 7/12, tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Khánh Hòa khóa VI kết quả giám sát chuyên đề về việc: “Triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang” đã được công bố, chỉ ra hàng loạt tồn tại khiến 29 dự án trong khuôn khổ giám sát, hầu hết đều chậm tiến độ thực hiện.
Trong các dự án trên, đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án; 10 dự án có thông báo ngừng, tạm ngừng hoạt động.
Qua giám sát 29 dự án, HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc các quy hoạch; có khá nhiều dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng không có hoặc không phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất...
Hệ quả là các dự án không kết nối được với cơ sở hạ tầng chung, không tuân thủ việc bảo vệ cảnh quan môi trường, kiến trúc đô thị. Các dự án đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án kéo dài 10-13 năm vẫn chưa hoàn thành.
Qua phân tích tình hình triển khai thực hiện từng dự án cho thấy, hầu hết các dự án chưa triển khai thi công hoặc chỉ mới triển khai thực hiện một số hạng mục công trình. Các vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án diễn ra ở hầu hết từng khâu trong thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Điển hình như dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Nha Trang Diamond Resort được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 và điều chỉnh lần 1 vào năm 2014. Mục tiêu dự án này là xây dựng, kinh doanh khách sạn và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với diện tích trên 22 ha đất, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Dự án triển khai đến nay đã 13 năm vẫn chưa xong, chậm tiến độ là do quá trình thực hiện từng khâu trong thủ tục hồ sơ pháp lý chậm. Hiện dự án đang triển khai hoàn thiện và xin giãn tiến độ xây dựng thêm 24 tháng từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2022.
Theo HĐND tỉnh Khánh Hòa, mục đích của đợt giám sát lần này là nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ của 29 dự án; qua đó kiến nghị UBND tỉnh có các giải pháp tháo gỡ, xử lý các dự án theo đúng quy định pháp luật. HĐND tỉnh đã chỉ rõ những nguyên nhân xuất phát từ chủ quan của chính quyền địa phương.
Trong đó có việc không tuân thủ nghiêm các quy định về quy hoạch và quy hoạch đô thị; việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai tại các dự án chưa nghiêm; diễn ra tình trạng buông lỏng công tác quản lý nhà nước về tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Chính quyền địa phương không tiến hành xử phạt vi phạm và không kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ đã đủ điều kiện chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước như ngành Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Điều đó dẫn đến sự liên kết giữa các khâu đầu tư dự án, giải tỏa đền bù thu hồi đất, lập và xây dựng khu tái định cư trước khi ra quyết định thu hồi đất, xử lý vi phạm về đầu tư và đất đai chưa đồng bộ và kịp thời.
Qua đó, HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và rà soát ngay 29 dự án, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố Nha Trang để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường đầu tư và tránh lãng phí tài nguyên du lịch, đất đai.
Các dự án đã chấm dứt đầu tư cần phải xử lý các công việc tiếp theo để quản lý đất đai theo quy định; xử phạt nghiêm tất cả các hành vi vi phạm về đầu tư và về đất đai của chủ đầu tư; kiên quyết chấm đứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các chủ đầu tư đã có vi phạm tiến độ kéo dài, những dự án không phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hoà Lê Xuân Thân cho biết, tính riêng khu vực phía Bắc thành phố Nha Trang, hiện có tổng cộng 82 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Có thể khẳng định, việc thu hút các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa; các dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị thành phố, phục vụ nhu cầu giải trí, thu hút khách du lịch đến địa bàn thành phố, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương.../.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: