Dự án khởi công ngày 24/7, dự kiến hoàn thiện vào ngày 25/8. Nhà thầu dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta. Hiện Công ty đang huy động công nhân làm việc liên tục 24/24 giờ.
Trước đó, được Chính phủ chấp thuận chủ trương, UBND Thành phố Hà Nội giao cho Bệnh viện Đại học Y xây dựng Bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch trên phần đất 3,5ha của Bệnh viện (đã được giải phóng mặt bằng từ năm 2016). Chỉ 5 ngày sau khi có chỉ đạo, 3 ngày sau khi có mặt bằng đơn vị thi công đã huy động tổng lực máy móc và con người để triển khai nhanh chóng, đưa vào sử dụng trong vòng 30 ngày.
Bên trong công trường, toàn thể cán bộ công nhân cố gắng hoàn thành việc thi công đúng tiến độ
Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng trăm công nhân, kỹ sư đang khẩn trương làm việc liên tục trong 3 ca, hiện đang thi công hạ tầng, kết cấu nền móng để chuẩn bị lắp dựng hoàn thiện các khu nhà. Theo thiết kế bệnh viện sẽ có khu nhà xanh là nơi tiếp đón hành chính, khu nhà vàng là nơi nghỉ dưỡng điều trị, khu nhà đỏ là nơi phân loại bệnh nhân nặng. Dự kiến ngày 25/8 tới đây bệnh viện sẽ hoàn thành.
Hiện nay, bệnh viện dã chiến có 1 đường vào tại ngõ 587 đường Tam Trinh nhưng nhỏ hẹp chỉ được 1 chiều. Trước thực tế này, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quận Hoàng Mai mở 1 con đường mới vào bệnh viện kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch.
Khu vực xây dựng bệnh viện có diện tích lớn, nằm biệt lập với các khu dân cư lân cận. Khi hoàn thành, bệnh viện có sức chứa từ 500 đến 700 giường.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Minh Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết: Để xây dựng con đường vào bệnh viện, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 18 hộ dân gia đình có đất nằm trong diện giải tỏa. Hiện nay đã có 15 hộ nhận tiền và bàn giao mặt bằng còn 3 hộ với diện tích hơn 500m2 chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng. Để kịp thời triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch cấp bách của thành phố, UBND quận Hoàng Mai đang tiếp tục vận động tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, bàn giao mặt bằng để dự án thực hiện nhanh nhất. Trong trường hợp người dân không phối hợp, quận sẽ báo cáo UBND thành phố để cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc xây dựng bệnh viện dã chiến, UBND Thành phố Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu trưng dụng quỹ nhà tái định cư phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho nhân dân, UBND thành phố có chủ trương trưng dụng 10 khu nhà tái định cư (bao gồm cả khuôn viên xung quanh các tòa nhà chung cư) để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến.
Trong đó, có 6 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ; Dự án xây dựng nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên; Dự án nhà ở cao tầng thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; Dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất ký hiệu C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 Khu tái định cư tập trung Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm.
4 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm: Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng;
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội;
Dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3, Đông Hội, huyện Đông Anh do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư.
Ngày 01/3/2021, tại Quyết định số 212/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã ban hành “Hướng dẫn xây dựng Bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch”. Ngay sau đó, ngày 05/3/2021, Bộ tiếp tục có Công văn số 739/BXD-KHCN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng và quy trình đầu tư xây dựng Bệnh viện dã chiến. Tài liệu “Hướng dẫn xây dựng Bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch” được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 142/TB-VPCP tháng 4/2020 về phương án xây dựng Bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch Covid-19. Tài liệu do Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC) phối hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAR), Viện khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST) biên soạn, dùng để hướng dẫn xây dựng Bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tài liệu có thể tham khảo áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tài liệu hướng dẫn xây dựng Bệnh viện dã chiến gồm hai phần, trong đó, phần I, áp dụng khi tận dụng, cải tạo các công trình có sẵn; phần II, áp dụng khi xây mới trên nền đất trống. Tài liệu đưa ra các hướng dẫn mang tính phổ quát, dây chuyền mang tính nguyên tắc. Căn cứ thực tế tại địa phương và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị thực hiện khi triển khai chi tiết có thể áp dụng toàn bộ hoặc một phần tài liệu hướng dẫn. Đối tượng điều trị là Bệnh viện dã chiến điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm gây dịch tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, không áp dụng cho lều bạt và tận dụng các bệnh viện đã có. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: