Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc tiến hành rà soát toàn diện nhằm đưa ra cơ chế chính sách phù hợp, để người dân được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các quy định hiện hành, giải quyết nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hộ di dân.
Ông Tuấn chỉ đạo, các địa phương phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh việc thành lập Ban quản trị, trong trường hợp gặp khó khăn, thành lập tổ dân phố lâm thời để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tài sản chung của tòa nhà.
Đối với diện tích đang để trống, chưa cho thuê được nhiều, các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh giá sớm để tận dụng nguồn thu, tránh lãng phí và không để nhà xuống cấp.
Các đơn vị thi công đã cam kết về tiến độ thực hiện nhiều gói thầu khác nhau phải nghiêm túc, khẩn trương thực hiện.
Ngoài nguyên nhân khách quan, nhà thầu nào thi công chậm, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi để chuyển dự án cho nhà thầu khác, không để lãng phí nhân lực, trong lúc nhiều nhà thầu còn thiếu việc làm.
Đặc biệt, các dự án trường học cần được ưu tiên, để khi người dân chuyển đến ở không bị xáo trộn cuộc sống do việc đưa, đón trẻ em đi học xa.
Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, các khu nhà ở xã hội hiện được sử dụng dưới hai hình thức nhà mua và nhà thuê.
Với nhà thuê, hiện, thành phố đang thực hiện ở mức thấp nhất so với quy định của Bộ Xây dựng khoảng 38.000 đồng/m2.
Trong tình hình khó khăn, nhiều người dân phản ánh giá thuê này còn ở mức cao, nên thành phố tiến hành khảo sát để đưa ra đề xuất phù hợp, giải quyết tốt hơn nhu cầu nhà ở đối với người thu nhập thấp.
Việc giải quyết nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện đang là vấn đề được thành phố Hà Nội quan tâm hàng đầu.
Tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực này còn tồn tại khó khăn, vướng mắc vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, hai vấn đề được quan tâm nhiều là giá thuê nhà, thuê mặt bằng kinh doanh vẫn cao, nhiều nơi chưa thành lập được ban quản trị tòa nhà./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: