Dù mới mưa hơn 200mm nhưng hàng loạt tuyến phố của Hà Nội đã ngập sâu trong nước vào ngày 25/5 vừa qua. Theo kế hoạch, cuối tháng 6 này dự án thoát nước trị giá hơn 6.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành. Liệu sau khi hoàn thành, Thủ đô thoát ngập?
Trận mưa đầu mùa “kinh hoàng”
Đêm ngày 24, rạng sáng 25/5, trận mưa lớn đầu mùa tầm tã kéo dài nhiều giờ đồng hồ từ đêm đến rạng sáng đã khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội chìm sâu trong nước ngập, khiến giao thông hỗn loạn.
Tại nhiều tuyến phố nước ngập sâu quá đầu gối, thậm chí nhiều đoạn ngập tới gần 1m, khiến người dân mang cả thuyền ra chèo giữa phố.
Tại một số khu đô thị mới xây dựng của Hà Nội, nước ngập sâu, mênh mông khắp nơi khiến nhiều người phải nhờ xe bò kéo qua nước ngập với giá 30-50.000 đồng/lượt. Tại khu đô thị Resco, Bắc Từ Liêm, sợ muộn giờ đi làm, một số người dân đã “cưỡi” máy xúc để đi qua đoạn đường ngập.
Nút giao thông Trung Hòa, thời điểm 7h sáng hằng ngày, phương tiện thường ken đặc kín, nhưng sáng ngày 25/5 vừa qua, toàn bộ các đảo cỏ và ngả đường dẫn đến nút giao thông này chìm sâu trong biển nước.
Người Hà Nội vật lộn với nước ngập sau những trận mưa lớn. (Ảnh: Xuân Tùng)
Trên tuyến đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, ngập úng xảy sáng sớm đến tận 11 giờ; riêng đoạn trước bến xe Mỹ Đình, thời điểm 9 giờ sáng, mức nước ngập cao gần hết bánh xe máy, các dòng phương tiện đều phải kéo lên dải phân cách đường Vành đai 3 và vỉa hè để tránh nước.
Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa lớn dao động từ 180mm đến 277mm trong 5 giờ khiến hệ thống thoát nước nhiều khu vực quá tải, tê liệt. Với lượng mưa cao bất thường như vậy, mọi kế hoạch tiêu thoát nước đều rơi vào tình trạng quá tải.
Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, hệ thống hạ tầng thành phố Hà Nội hiện nay chỉ có thể tiêu thoát tốt với các trận mưa có lưu lượng 50 đến 100mm/2 giờ. Với những trận mưa có lưu lượng từ 180mm đến 277mm thì hạ tầng thoát nước của thành phố bị quá sức.
“Quy hoạch thoát nước của Thủ đô đang có vấn đề”
Đó là khẳng định của KTS Trần Huy Ánh khi nói về trận mưa ngập ngày 25/5 vừa qua. Theo ông Ánh, không những quy hoạch yếu kém mà việc triển khai của Hà Nội cũng yếu kém.
“Quy hoạch (QH) ở đây được hiểu là gộp QH thoát nước và QH đô thị. Nếu xét về hiệu quả thoát nước thì QH thoát nước có vấn đề, nhưng Hà Nội đã nhận ra điều này từ trận ngập 2008, vậy mà sau 8 năm tình trạng không được cải thiện nhiều thì có nghĩa là QH đô thị và thực hiện QH đô thị không đồng bộ”, ông Ánh nhận định.
Theo vị KTS này, qua theo dõi QH thoát nước của HN cho thấy, bản QH này do JICA lập, nguyên lý tự chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây; Giai đoạn đầu chỉ tính thoát nước từ 4 quận nội thành đến sông Tô lịch. Sau này nội thành mở sang bên kia sông thì vùng trũng thoát nước lấp hết, thế là trận mưa to 2008 ngập nặng vùng trũng phía Tây và phía Nam HN.
Giai đoạn sau đưa thêm sông Nhuệ vào nhưng những vùng trũng cứ lấp dần làm đường, xây nhà, lần san lấp sau cao hơn lần trước nên nước đổ vào 2 sông chậm hơn và ngập nặng những nơi lấp trước.
Từ đó đến nay, HN vẫn chỉ có một QH thoát nước nhưng mật độ xây dựng và tầng cao tăng nhiều, những công trình thoát nước không có gì đột phá. Nạn trũng ngập cũ chưa giải quyết xong thì lại nảy sinh nhiều nguy cơ mới.
Theo ông Ánh, xem lại ảnh trận lụt năm 2008 thấy nhiều chỗ đất trống ở Cầu Giấy, Từ Liêm vẫn đầy nước cả tháng trời sau khi nội thành đã khô ráo. Đây là kết quả của các ông phụ trách QH Hà Nội giai đoạn 2000-2005.
Họ đã chia lô cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập…, cấp xong 5-10 sau người ta mới xây thế là hết chỗ đựng nước. Bây giờ các vị ấy về hưu rồi, những người đi sau gánh chịu nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn… chỉ tiếc là giải pháp thì không có gì mới hơn, cơ bản hơn.
“Mỗi lần mưa ngập là một lần đo lường kết quả QH và thực hiện QH (cả QH thoát nước lẫn QH đô thị) đúng sai để đánh giá, điều chỉnh, nhưng tôi chưa thấy công bố công khai bản đồ mưa ngập hay một báo cáo đánh giá kết quả chống ngập. Nếu chống ngập bị động và mò mẫm như vậy khó có được kết quả tốt”, ông Ánh nói.