Phân bố không đồng đều
Theo Sở Công thương Hà Nội, đến năm 2012 (trước khi quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt), trên địa bàn thành phố có 110 siêu thị và 20 trung tâm thương mại (TTTM), trong đó có 13 siêu thị hạng 1; 26 siêu thị hạng 2; 48 siêu thị hạng 3; 4 TTTM hạng 1; 1TTTM hạng 2; 7 TTTM hạng 3; còn lại là chưa phân hạng.
Tổng diện tích đất của mạng lưới siêu thị trên địa bàn là 156.414m2 (bình quân mỗi siêu thị có diện tích 1.421m2); tổng diện tích đất của các TTTM 479.731m2 (bình quân 34.266,5m2/TTTM).
Mạng lưới siêu thị, TTTM trên địa bàn Hà Nội hiện phân bố chưa đồng đều |
Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, phân bố mạng lưới TTTM, siêu thị trên địa bàn thành phố hiện nay chưa được hợp lý cả về số lượng và quy mô để phù hợp với mật độ dân số cũng như bán kính phục vụ trên toàn địa bàn. Hầu hết các siêu thị, TTTM tập trung tại các quận nội thành, trong khi ở các huyện ngoại thành còn ít. Cụ thể, tại 4 quận nội thành (đô thị lõi) có 45 siêu thị, 6 TTTM; các quận còn lại 42 siêu thị, 7 TTTM; còn các huyện ngoại thành có 23 siêu thị, 7 TTTM.
Sau khi quy hoạch bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố được phê duyệt, trong giai đoạn 2012-2014 đã có 8 TTTM được xây dựng và đưa vào hoạt động với tổng kinh phí hơn 42.000 tỷ đồng (tiêu biểu như Royal City, Times City); bên cạnh đó còn có 25 siêu thị khai trương và đưa vào hoạt động đã bước đầu khẳng định sự phát triển của loại hình thương mại hiện đại trên địa bàn Thủ đô.
Phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị
Quy hoạch ngành bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV...
Dự báo quy mô dân số của thành phố đạt 9,4 triệu người, thu nhập bình quân đến năm 2020 đạt 7.500 USD/người/năm, năm 2030 đạt 17.000 USD/người/năm. Qua đó, dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa đến năm 2020 đạt 45,6 tỷ USD (40% dịch vụ bán lẻ hiện đại). Dự báo, năm 2020 có khoảng 20 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3-4 triệu lượt khách quốc tế; dự báo tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 58-60%.
Với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất xây dựng đô thị từ 18.050 ha năm 2008 lên 84.670ha vào năm 2020 (tăng 4,69 lần). Trong đó, diện tích đất xây dựng đô thị khu vực thành thị 72.940ha (tăng 4,2 lần); diện tích đất xây dựng phục vụ đô thị tại khu vực nông thôn là 11.730ha (tăng 100% so với thời điểm 2008). Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của các quận trên địa bàn thành phố phát triển rất nhanh, như: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm; các khu đô thị vệ tinh, như: Sóc Sơn, Đông Anh, Sơn Tây, Phú Xuyên; chỉ tính riêng quận Hà Đông với diện tích tự nhiên 47,9km2 đã lớn hơn tổng diện tích của 4 quận nội thành (đô thị lõi) là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình (tổng diện tích 34,7km2). Bên cạnh tốc độ đô thị hóa nhanh, thì hạ tầng cơ sở được phát triển đồng bộ, nhanh, số lượng lớn, trong đó có hạ tầng thương mại (TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi...).
Việc xác định số lượng và quy mô của hệ thống siêu thị dựa trên bán kính và diện tích phục vụ của từng loại hình và quy mô siêu thị (siêu thị hạng 1 phục vụ 300 nghìn khách hàng, bán kính 2-3 km; siêu thị hạng 2 phục vụ 50-100 nghìn khách hàng, bán kính phục vụ 1-2 km; siêu thị hạng 3 phục vụ 4-20 nghìn khách hàng, bán kính phục vụ khoảng 0,5 km); mật độ dân số, quy mô dân số đô thị; diện tích xây dựng đô thị.
Các loại hình bán lẻ cần có nơi và không gian để tiến hành bày bán và tiêu thụ hàng hóa cố định, đồng thời hoạt động mua bán hàng của người tiêu dùng chủ yếu được thực hiện trong nơi này. Các loại siêu thị được xác định đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau: Đại siêu thị (quy mô lớn (hạng 1) là loại hình bán lẻ có diện tích kinh doanh thực tế khoảng 6.000m2 trở lên, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua1 lần của khách hàng; căn cứ theo cơ cấu hàng hóa thì có thể phân thành đại siêu thị kinh doanh thực phẩm là chính và đại siêu thị kinh doanh đồ dùng hàng ngày là chính, phục vụ tối thiểu 300 nghìn khách hàng có thu nhập 1.000 USD/người/năm trở lên.
Loại siêu thị tổng hợp (quy mô vừa (hạng 2) là loại hình bán lẻ áp dụng phương pháp bán hàng lựa chọn, chủ yếu bán các mặt hàng đại chúng, thỏa mãn nhu cầu mua sắm 1 lần của khách hàng, với diện tích kinh doanh từ 2.500m2 trở lên.
Loại siêu thị thực phẩm (quy mô nhỏ (hạng 3) là loại hình bán lẻ áp dụng phương pháp bán hàng tự chọn, chủ yếu bán các mặt hàng thực phẩm, hải sản, thực phẩm phụ, đồ dùng sinh hoạt thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng, với diện tích 400-1.000m2.
Mạng lưới siêu thị phân bố theo không gian đô thị của thành phố:
Đô thị trung tâm: Với quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt 1,748 triệu người và đến năm 2030 đạt 4,606 triệu người. Ở đây sẽ hình thành 19 siêu thị hạng 1; 82 siêu thị hạng 2; 530 siêu thị hạng 3. Trong đó bao gồm: Đô thị lõi lịch sử với quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt 1,727 triệu người và đến năm 2030 đạt 1,656 triệu người, sẽ hình thành 6 siêu thị hạng 1; 25 siêu thị hạng 2 và 134 siêu thị hạng 3 (từ vành đai 2 đến trung tâm: 3 siêu thị hạng 1, 12 siêu thị hạng 2 và 44 siêu thị hạng 3; từ vành đai 2 đến sông Nhuệ: 3 siêu thị hạng 1, 13 siêu thị hạng 2 và 90 siêu thị hạng 3). Đô thị lõi mở rộng với quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt 2,021 triệu người và đến năm 2030 đạt 2,950 triệu người, sẽ hình thành 13 siêu thị hạng 1; 57 siêu thị hạng 2 và 396 siêu thị hạng 3 (chuỗi đô thị từ sông Nhuệ đến vành đại 4: 6 siêu thị hạng 1, 25 siêu thị hạng 2 và 172 siêu thị hạng 3; khu đô thị Mê Linh: 2 siêu thị hạng 1, 9 siêu thị hạng 2 và 66 siêu thị hạng 3; khu đô thị Đông Anh: 2 siêu thị hạng 1, 11 siêu thị hạng 2 và 75 siêu thị hạng 3; khu đô thị Long Biên-Gia Lâm: 3 siêu thị hạng 1, 12 siêu thị hạng 2 và 83 siêu thị hạng 3.
Thực trạng phân bố không đồng đều sẽ được khắc phục trong những năm tới |
Các đô thị vệ tinh: Với quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt 722 nghìn người và đến năm 2030 đạt 1,377 triệu người, sẽ hình thành 4 siêu thị hạng 1, 26 siêu thị hạng 2 và 308 siêu thị hạng 3. Trong đó: đô thị Sơn Tây: 4 siêu thị hạng 2, 38 siêu thị hạng 3; đô thị Hòa Lạc: 2 siêu thị hạng 1, 12 siêu thị hạng 2 và 145 siêu thị hạng 3; đô thị Xuân Mai: 1 siêu thị hạng 1, 4 siêu thị hạng 2, 45 siêu thị hạng 3; đô thị Phú Xuyên: 2 siêu thị hạng 2, 25 siêu thị hạng 3; đô thị Sóc Sơn: 1 siêu thị hạng 1, 4 siêu thị hạng 2 và 55 siêu thị hạng 3.
Các thị trấn với quy mô dân số dự báo đến năm 2020 đạt 204 nghìn người và đến năm 2030 đạt 231 nghìn người, sẽ hình thành 3 siêu thị hạng 2 và 27 siêu thị hạng 3.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố là quy hoạch chuyên ngành, mang tính định hướng phát triển thương mại trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Về nguyên tắc, việc lập quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ nhằm đảm bảo phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của công đồng dân cư (gồm cả khách du lịch và khách quốc tế), do đó phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và dự báo phân bố dân cư theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội. Nội dung quy hoạch là công tác dự báo căn cứ trên cơ sở nhu cầu của thị trường, phân bố dân cư, định hướng phát triển không gian của quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng Thủ đô.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: