Việc Việt Nam nhanh chóng đẩy mạnh phát triển nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng các thành phố thông minh và digital ID đã thúc đẩy bước nhảy vọt đáng kể trong kỷ nguyên số. Điều này cho thấy những nỗ lực đổi mới nhiều mặt của Việt Nam theo hướng bền vững.
Mới đây, GSMA đã công bố báo cáo về tiến trình số hóa của 11 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC). Theo đó, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2018 đến đầu năm năm 2021.
Mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật số trong khu vực vào năm 2030 đang được thực hiện tương đối hiệu quả với Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Lộ trình hiện đại hóa nêu rõ việc thực hiện các chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối với nhau để tạo nền tảng bền vững cho kỷ nguyên số của đất nước.
Sự đón nhận cởi mở và hỗ trợ tích cực của chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể nhanh chóng áp dụng công nghệ số. Theo một số dữ liệu, dự kiến mức tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 đạt mức 25%, tương đương với mục tiêu doanh số đạt 35 tỷ USD.
Việt Nam cũng đang tích cực trong việc hoàn thiện quá trình thay đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử (digital ID) cho tất cả người dân trên cả nước. Đây là bước đi cần thiết để xây dựng một xã hội bền vững trong thời kỳ số hóa. Bên cạnh đó, rất nhiều các thành phố thông minh đã và đang được quy hoạch tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, mở ra cơ hội tiếp cận với một môi trường hiện đại hơn cho tất cả mọi người.
Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam bắt kịp với sự phát triển một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia hay Singapore. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các thành phố thông minh cũng như AI, mục tiêu dài hạn của Việt Nam là thiết lập một nền kinh tế kỹ thuật số được kết nối vững chắc và được thúc đẩy bởi việc phát triển các nguồn nhân lực mới, thương mại điện tử và quản trị điện tử.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: