"Mục đích của đấu thầu là lựa chọn nhà thầu đạt yêu cầu để thực hiện gói thầu, song lâu nay chúng ta thường áp dụng hình thức chỉ định thầu. Đây là hình thức ít tính cạnh tranh và dễ xảy ra tiêu cực nhất. Sửa Luật Đấu thầu cần phải loại bỏ quy định này...”- ý kiến của nhiều đại biểu của các sở, ban, ngành Hà Nội.
Luật Đấu thầu sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ một số bất cập tranh minh họa
Tiêu cực vì…chỉ định thầu
Đánh giá về Dự thảo Luật Đấu thầu, TS Nguyễn Đình Dương- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Dự thảo đã thể hiện được đầy đủ các hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư cũng như nhà thầu và cơ quan quản lý, đặc biệt là giao thẩm quyền cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trúng các gói thầu phù hợp với năng lực của mình. Việc phân cấp này sẽ hạn chế được tình trạng mua bán thầu. Tuy nhiên, cần phải sửa đổi, khắc phục nhiều bất hợp lý, hạn chế để tạo sự minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu. Đơn cử tại Điều 23 quy định các trường hợp được chỉ định thầu…quy định này cần cân nhắc và xem xét. Bởi với thực tế hiện nay, việc chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều tiêu cực, đối với những trường hợp được chỉ định thầu thì cần có những quy định để tăng tính minh bạch.
Đồng quan điểm, đại diện Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, nên bỏ ưu đãi trong đấu thầu. Vì mục đích của đầu thầu là lựa chọn được nhà thầu đạt yêu cầu để thực hiện gói thầu, không nên đưa các chính sách xã hội vào quy định trong đấu thầu làm méo mó kết quả đầu thầu, tạo kẽ hở cho lách luật. Trong khi đó, các tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ cho việc thẩm định và chỉ định thầu chưa rõ ràng.
Thực tế triển khai Luật Đấu thầu năm 2005 cho thấy, Luật đã bộc lộ nhiều điểm bất cập không phát huy được hết chức năng điều chỉnh những mối quan hệ phức tạp trong hoạt động đấu thầu, dẫn đến nhiều công trình, dịch vụ kém chất lượng hoặc lãng phí, thất thoát do sự thiếu công bằng, gian dối trong đấu thầu, chỉ định thầu.
Bỏ cạnh tranh về …giá
Đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp là một trong vấn đề được các đại biểu thảo luận. Đa số các ý kiến đều cho rằng, cần loại bỏ hình thức đấu thầu về giá. Chính phương pháp này dẫn tới thực trạng nhiều công trình vừa xây xong đã xuống cấp, chất lượng kém.
"Các nhà thầu chủ yếu đấu giá với nhau, nhà thầu thắng là nhà thầu trả giá thấp nhất. Nhiều công trình phần lớn là nhà thầu Trung Quốc trúng thầu vì giá thấp. Chất lượng kỹ thuật ra sao thực tế nhiều công trình đã chứng minh”- ThS Nguyễn Hữu Mạnh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận xét.
Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, phương pháp đấu thầu bằng giá đã phát sinh nhiều mặt trái như: Nhà thầu cố tình đặt giá rất thấp để trúng thầu sau đó, bằng mọi cách điều chỉnh giá; chậm tiến độ; không đảm bảo chất lượng công trình. "Trong kinh doanh không thể đồng thời đáp ứng các yêu cầu "nhiều, nhanh, tốt và rẻ” được. Vì vậy cần phải loại bỏ phương pháp đấu giá này tại Luật Đấu thầu sửa đổi mà thay vào đó là đấu thầu giá có biên độ dao động. Đây là phương pháp nhiều doanh nghiệp FDI ở nước ta đang áp dụng để chọn thầu. Theo phương pháp này, chủ đầu tư xác định một mức giá đánh giá và lựa chọn nhà thầu đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch để so sánh, xếp hạng. Ông Vũ Xuân Tiền đề xuất.
Liên quan tới vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Đặng Vũ Tuấn cho rằng, cần xem xét và sửa đổi việc yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Theo ông Tuấn, trong lĩnh vực công nghệ thông tin do không quy định cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa nên trong những năm qua chất lượng hàng hóa được mua thông qua đấu thầu không đạt chất lượng. Nhiều hãng sản xuất các thiết bị có tính năng kỹ thuật tương đương nhau với chênh lệch giá tương đối lớn. Tuy nhiên, thiết bị của các hãng sản xuất khác nhau thì có chất lượng khác nhau. Vì vậy, sau đấu thầu nhà thầu thường mua những thiết bị giá rẻ nên không đáp ứng về chất lượng.