Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho thấy tính đến quý IV/2020, toàn TP có đến 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép. Trong đó, đa phần là bến tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), còn lại là bến hàng hóa, neo đậu phương tiện.
Bất chấp xử phạt
Hoạt động gần 20 năm trên bờ sông Cần Giuộc (thuộc xã Ða Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM), quy mô gần 9.000 m2 nhưng bến tập kết VLXD của ông N.V.Ng hiện không phép. Theo ông Ng., khi nhà nước xây dựng cầu Ông Thìn thì bến tập kết VLXD của ông được Sở GTVT TP cấp giấy phép hoạt động để cung cấp vật tư cho công trình. "Cầu xây xong, giấy phép cũng hết hạn, tôi xin gia hạn không được" - ông Ng. nói.
Một bến thủy tập kết vật liệu xây dựng hoạt động không phép nhiều năm nay tại huyện Bình Chánh, TP HCM
Ông cho hay năm 2019, ông tiếp tục mang giấy đăng ký kinh doanh đến Sở GTVT xin cấp phép hoạt động bến thủy nhưng nhận được cái lắc đầu. Nguyên nhân theo giải thích là do UBND huyện Bình Chánh có văn bản gửi Sở GTVT không đồng ý vị trí trên làm bến thủy vì không phù hợp quy hoạch. Nghĩa là bến VLXD của ông hoạt động không phép nhiều năm nay. "Mỗi năm tôi đóng hơn 100 triệu đồng tiền phạt, mỗi tháng đều có biên bản xử phạt. Lúc thì UBND xã phạt, khi thì CSGT đường thủy phạt rồi đến Thanh tra Sở GTVT xử phạt…" - ông Ng. thừa nhận. Ông cũng nói "giờ ai phạt cứ phạt, còn phần tôi vẫn cứ cho bến hoạt động".
Tương tự, bến thủy tập kết VLXD của ông Ng.V.Ch trên bờ sông Vàm Thuật ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh hoạt động gần 10 năm nay cũng trong tình trạng không phép. Nguyên nhân do vướng dự án "treo" xây dựng hành lang đê bao tuyến rạch Nước Lên. Cũng như ông Ng., ông Ch. cho biết nhiều năm qua, các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt đều, còn phần ông vẫn cứ thế hoạt động để "gỡ gạc" tiền đầu tư bến bãi, bờ kè, đường dẫn vào bến...
Tương tự, nhiều bến thủy tập kết VLXD không phép vẫn ngày đêm hoạt động với chiêu thức "phạt cứ phạt, hoạt động cứ hoạt động" như các bến của ông Ng. và ông Ch... Trên sông Ðồng Nai (đoạn qua địa bàn quận 9, TP HCM), đáng kể nhất là bến tập kết VLXD của ông P.T.L và ông T.B.T. Trên kênh Xáng - rạch Tra (huyện Hóc Môn, TP HCM) có các bến của bà N.T.M.Ng, ông N.T.H và ông T.V.M. Trên rạch Xóm Củi (quận 8, TP HCM) có bến của ông C.T.N và bà T.T.Ph... Theo tìm hiểu, địa phương có nhiều bến thủy không phép nhất là huyện Bình Chánh với 13 bến, quận 9 có 12 bến và huyện Hóc Môn có 8 bến...
Nghịch lý nằm ở đâu?
Theo ông Ch. (chủ bến trên sông Vàm Thuật, đoạn thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), không ai muốn hoạt động "chui" cả. "Chúng tôi mong được xem xét cấp giấy phép có thời hạn mỗi năm, đến khi thực hiện dự án (bến của ông nằm trong dự án quy hoạch đê bao nhưng chưa thực hiện - PV) thì doanh nghiệp trả mặt bằng, dừng hoạt động" - ông Ch. đề xuất . Còn ông Ng. cho rằng bến thủy của ông không vi phạm hành lang bảo vệ cầu Ông Thìn. "Hiện nay quy hoạch bến thủy trên địa bàn TP HCM chưa có, vậy tại sao huyện Bình Chánh lại cho rằng bến thủy của tôi không phù hợp quy hoạch" - ông Ng. hỏi. Ông cũng nói doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động, chấp nhận đáp ứng các tiêu chí bến bãi để được hợp thức hóa đàng hoàng thì cũng nên xem xét một cách thấu đáo.
Vì sao hàng chục bến thủy nội địa không phép cứ ngang nhiên hoạt động, phải chăng có sự yếu kém trong quản lý, bất nhất giữa các sở - ngành và địa phương?
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết thời gian qua, bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn TP căn cứ theo Quyết định 66 của UBND TP (ban hành năm 2009) về duyệt quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP HCM đến năm 2020. Việc cấp phép cho các bến thủy theo Quyết định 66 chủ yếu cập nhật lại những cái có sẵn trước đây, riêng cơ sở pháp lý cũng chưa rõ ràng.
Theo ông Bùi Hòa An, có 2 điều kiện cơ bản để cấp phép cho một bến thủy nội địa. Thứ nhất, phải bảo đảm quy hoạch đất đai và quy hoạch bến thủy nhưng quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn TP HCM đến năm 2030 đang chờ phê duyệt. Thứ hai, tiêu chí cho một bến thủy hoạt động cũng chưa có. Ngoài ra, từ năm 2017, UBND TP có văn bản yêu cầu Sở GTVT muốn gia hạn giấy phép các bến thủy phải hỏi ý kiến các địa phương. Trong khi đó, văn bản phúc đáp của nhiều địa phương không đồng ý gia hạn nên từ năm 2018 đến nay, nhiều bến thủy hết hạn theo giấy phép trở thành bến không phép.
Nhìn nhận các bến thủy tập kết VLXD góp phần giảm áp lực giao thông cho đường bộ nhưng phó giám đốc Sở GTVT cũng lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông vì tâm lý hoạt động không phép nên nhiều chủ bến không đầu tư đường sá, bến bãi còn tạm bợ. "Ðể xử lý triệt để các bến không phép này, ngoài các lực lượng chức năng thì chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định" - ông Bùi Hòa An nói.
Không thể để mãi câu chuyện phạt cứ phạt, bến vẫn hoạt động, ông Bùi Hòa An cho biết UBND TP vừa thông qua tiêu chí về điều kiện hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn TP. "Khi đã có tiêu chí rõ ràng thì lúc đó, bến nào không đủ điều kiện chắc chắn địa phương phải xử lý triệt để, còn đủ điều kiện phải được cấp phép theo quy định" - ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.
Xử phạt hơn 350 trường hợpTheo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, năm 2021, đơn vị này sẽ tăng cường xử lý nghiêm các bến thủy hoạt động không phép cũng như các phương tiện chở hàng hóa không bảo đảm an toàn. Thanh tra Sở GTVT cho biết năm 2020, đơn vị này đã xử phạt 356 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy với số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: