Đáng chú ý, bản Dự thảo được đưa ra thảo luận tại phiên họp của UBTVQH có nhiều nội dung khác với nội dung của Dự thảo mà, trước đó, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội.
Đề nghị Luật Xây dựng nên quy định đối tượng quản lý là công trình xây dựng (Ảnh minh họa)
Trước hết, phạm vi điều chỉnh của luật trong Dự thảo mới ghi: “Luật này quy định về hoạt động đầu tư xây dựng... quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng” nhưng trong Dự thảo mà Chính phủ thống nhất trình Quốc hội phạm vi điều chỉnh chỉ ghi là “hoạt động xây dựng” mà thôi.
Với phạm vi điều chỉnh như nội dung của Dự thảo mới, các đại biểu đề nghị phải điều chỉnh để tránh chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của một số luật khác như Luật Đầu tư, Dự án Luật Đầu tư công.
Luật sư Phan Vũ Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phan Anh góp ý, để tránh hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi) nên điều chỉnh như sau: “Luật này quy định về hoạt động xây dựng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng”.
Nếu quy định như bản Dự thảo mới sẽ gây nên nhiều bất cập, chồng lấn lên Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất kinh doanh và các Dự thảo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư đang được Chính phủ xem xét sửa đổi.
Một số thành viên UBTVQH đề nghị phân định rõ khái niệm hoạt động đầu tư xây dựng với hoạt động xây dựng. Trong Dự thảo, định nghĩa hoạt động đầu tư xây dựng là quá trình bỏ vốn và tiến hành các hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình. Với định nghĩa này thì luật chỉ giới hạn điều chỉnh hoạt động đầu tư tạo lập công trình xây dựng.
Trong khi với Dự án đầu tư nói chung và Dự án đầu tư có yếu tố xây dựng, không chỉ dừng lại ở khâu tạo lập công trình xây dựng mà còn bao gồm cả việc kinh doanh, khai thác sử dụng công trình để thu hồi vốn và lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư gắn với công trình.
Theo quy định của Luật Đầu tư, trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, ngoài việc bỏ vốn trực tiếp để tạo lập công trình, hoạt động đầu tư xây dựng còn bao gồm cả hình thức bỏ vốn gián tiếp bằng cổ phần cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán... và đây là những hoạt động không thể thuộc phạm vi của Luật Xây dựng. Vì vậy Luật Xây dựng chỉ nên điều chỉnh hoạt động xây dựng.
Một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị không quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong Dự thảo Luật Xây dựng mà ghép các nội dung này với Luật Quy hoạch đô thị để hình thành một đạo luật mới về quy hoạch xây dựng hoặc chuyển về Luật Quy hoạch đang được soạn thảo.
Một số ý kiến cho rằng “thẩm tra đầu tư” và “thẩm định đầu tư” nên quy định thống nhất với Luật Đầu tư. Có ý kiến cho rằng một số điều khoản trong Dự thảo đã thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật Đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng. Có ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rằng, nếu như nội dung Dự thảo này thì đổi tên là Luật Đầu tư xây dựng.
Luật sư Trương Thanh Đức và một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo giao cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì thẩm định quyết định đầu tư là không hợp lý vì hiện việc thẩm định dự án đang do cơ quan quản lý về đầu tư chủ trì thẩm định. Nếu quy định như thế này sẽ gây nên tình trạng khép kín trong đầu tư dễ gây thất thoát, lãng phí.
Thêm một điểm nữa, với nội dung Dự thảo thì các dự án như Dự án công nghệ thông tin hay mua sắm thiết bị, hay Dự án trồng rừng chẳng hạn… chỉ cần có một hạng mục nhỏ có xây dựng, dù hạng mục này chưa đầy 1% tổng vốn đầu tư cũng được gọi là “Dự án đầu tư xây dựng”.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tự (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, như Dự thảo thì chỉ phù hợp với dạng đầu tư xây dựng một công trình cụ thể ở một địa điểm cụ thể mà không phù hợp với loại dự án có nhiều hạng mục ở nhiều địa điểm khác nhau. Và để không trùng lặp, lấn sân các luật khác, đề nghị Luật Xây dựng nên quy định đối tượng quản lý là công trình xây dựng chứ không phải Dự án đầu tư xây dựng.
Những góp ý được đưa ra để Dự thảo Luật được điều chỉnh bởi nếu có sự trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng của Luật sẽ dẫn tới sự không rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Hệ quả là, giới kinh doanh và nhà đầu tư sẽ vẫn phải chịu nỗi khổ vì sự chồng chéo, không rõ ràng trong thực thi pháp luật. Và hậu quả là những quy định của Luật tạo sức ép với đội ngũ công chức thực thi, các nhà đầu tư, các DN, gây thiệt hại cho cả nền kinh tế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: