Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, phối hợp cùng UBND hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan, công bố Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2020, tỷ lệ 1/10.000.
Theo Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000, đô thị Hòa Lạc có quy mô khoảng 17.274ha, thuộc địa giới hành chính hai huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
Đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng...
Hòa Lạc cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, đô thị khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.
Đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng chính là vùng phát triển đô thị (lõi đô thị), có quy mô diện tích khoảng 7.450,08ha (chiếm 43,1%) và vùng vành đai xung quanh đô thị (là phần còn lại trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc), có quy mô diện tích khoảng 9.823,92ha (chiếm khoảng 56,9%).
Theo đó, đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng đặc trưng. Trong đó, vùng lõi đô thị phát triển xây dựng theo mô hình đô thị, tập hợp các khu chức năng và khu đô thị mới, với các trung tâm cấp vùng và khu vực. Còn vùng vành đai xanh bao quanh đô thị phát triển xây dựng theo mô hình nông thôn mới.
Dự báo, đến năm 2025, dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người; đến năm 2030 và những năm tiếp theo tối đa khoảng 600.000 người; trong đó, tỷ lệ dân số đô thị chiếm khoảng 85%.
Hiện đô thị Hòa Lạc đang được xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Trong đó, khu công nghệ cao được quy hoạch trên diện tích khoảng 1.350ha đang là nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây, khu công nghệ cao Hòa Lạc được bắt đầu thành lập và xây dựng từ năm 1998. Một khu vực rộng trên 1.500 ha của huyện Thạch Thất được xây dựng khu công nghệ với mục tiêu là nơi nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia.
Khu công nghệ cao hiện đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến đầu tư như Vingroup, FPT, Viettel, VNPT, Nidec… Tính đến hết năm 2019, nơi đây đã thu hút được 91 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là khoảng 86.367 tỷ đồng. Trong đó có 46 dự án đang hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và gia công phần mềm, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa; dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: