BT và các khu đô thị “khủng”
Tập đoàn Nam Cường là một trong những DN đi đầu thực hiện các dự án BT rầm rộ ở nhiều năm trước đây. Theo đó, tập đoàn này đã triển khai hàng loạt dự án quy mô với hàng loạt dự án ở Hải Dương, Nam Định.
Riêng ở Hà Nội, các khu đô thị mới được DN này đứng tên là chủ đầu tư sau khi thực hiện các đường trục phát triển Bắc - Nam, đường trục phía Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài… Đổi lại kinh phí cho nhà đầu tư khi thực hiện hạ tầng, tập đoàn này được giao khu đô thị Dương Nội, Phùng Khoang, Cổ Nhuế, Quốc Oai,...
Trong khi đó, dù xuất hiện trong thời điểm bất động sản có dấu hiệu chững lại, nhưng Geleximco cũng làm “rúng động” giới đầu tư khi bắt tay với tỉnh Hòa Bình thực hiện xây dựng cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức BT. Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với tổng mức đầu tư lên đến 6.700 tỷ đồng, Geleximco đã đề xuất và được tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho thực hiện 5 dự án đô thị, sân golf với tổng diện tích lên đến nhiều nghìn ha.
Theo giới đầu tư bất động sản, Tập đoàn Nam Cường đã “thắng lớn” tại các dự án đổi đất lấy hạ tầng thực hiện ở Hải Dương, Nam Định, Dương Nội… Tuy nhiên, cũng chính DN này đang mắc kẹt với khu đô thị khủng ở ngay chính thị trường bất động sản sầm uất là Hà Nội.
Bốn năm trước, sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng cho triển khai dự án Trục đường phát triển KT-XH Bắc - Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 63,32 km theo hình thức BT, Tập đoàn Nam Cường chính thức trở thành đơn vị triển khai dự án với tổng giá trị lên đến trên 7.694 tỷ đồng. Để có nguồn vốn thực hiện dự án này, Tập đoàn Nam Cường được phép thực hiện 4 dự án đô thị đối ứng gồm dự án Quốc Oai, Chương Mỹ, Thạch Phúc, Thạch Thất, với tổng quy mô lên đến trên 3.258 hecta.
Tuy nhiên, bốn dự án này của Tập đoàn Nam Cường cũng chính thức phải dừng lại chờ rà soát sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…Dù bị đình chỉ để chờ rà soát, nhưng tập đoàn này đã “rót” vào dự án thực hiện một số hạng mục với số tiền đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng.
Bên níu, bên buông?
Ngay sau đó, Tập đoàn Nam Cường đã có công văn gửi UBND TP. Hà Nội kiến nghị cho phép tiếp tục được thực hiện dự án xây dựng đường Trục phát triển KT-XH Bắc Nam theo hình thức BT với quy mô theo phê duyệt. Với công văn này, Tập đoàn Nam Cường “chấp nhận” mất dự án khu đô thị Thạch Thất (theo Tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Thạch Thất có tổng diện tích 922ha, đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 5 vạn dân), chỉ thực hiện đầu tư 3 dự án đô thị là Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn…
Khác với Tập đoàn Nam Cường, dư luận cũng đang đặt dấu hỏi về “năng lực tài chính” của Geleximco khi tập đoàn này thực hiện dang dở cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình - ông Trần Đăng Ninh - tỉnh này kỳ vọng sẽ là địa phương đứng ra làm đường cao tốc theo hình thức BT khi ký hợp đồng với Geleximco.
Thế nhưng, khi dự án Khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc chuyển về Hà Nội thì tỉnh gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất làm vốn đối ứng cho chủ đầu tư trong khi quỹ đất dọc đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã phủ kín các dự án. Với cách tính của tỉnh Hòa Bình, 5 dự án mà chủ đầu tư đề xuất có giá trị tương đương 1.700 tỷ đồng, theo đó vốn cho dự án còn thiếu tới 5.000 tỷ đồng trên tổng dự toán 6.700 tỷ đồng. Cho đến nay, công nhân của Geleximco trên công trường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình vẫn thưa thớt, nhiều gói thầu dù có mặt bằng sạch nhưng DN này cũng chỉ “ì ạch” triển khai.
Theo giới đầu tư, khi “miếng ngon” là khu đất dự án tốt không còn thuộc về mình, thì việc chậm trễ triển khai cam kết của nhà đầu tư với tỉnh Hòa Bình, cũng là một cách giải thích…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: