"Không còn thời gian để lãng phí nữa đâu", Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết khi thông báo kế hoạch cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD tuần trước, chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức. Giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế mà Tổng thống Donald Trump để lại sẽ là ưu tiên số một của chính quyền Biden.
Tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ tăng thêm 181.000 lên 965.000 - cao nhất kể từ tháng 8/2020. Số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục trong các tháng mùa đông khiến các lệnh hạn chế càng bị siết chặt. Người Mỹ và các bang cũng ngày càng thận trọng hơn. Tăng trưởng vì thế giảm tốc và sự cải thiện trên thị trường lao động sau cú sốc đại dịch đầu năm ngoái cũng đảo chiều.
Tổng thống Trump từng có bảng thành tích kinh tế đáng ghen tị. Chỉ 3 năm sau khi ông nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống thấp nhất kể từ thập niên 60, tốc độ tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình bùng nổ và lạm phát được kiềm chế. Tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập được thu hẹp, khi tăng trưởng lương và tài sản của người Mỹ có thu nhập và trình độ giáo dục thấp tăng nhanh nhất trong các nhóm.
Trump từng coi kinh tế là tấm vé bước vào nhiệm kỳ 2 của ông. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm ngoái, ông từng tuyên bố: "Nước Mỹ đang thịnh vượng và đang chiến thắng như chưa bao giờ được như vậy". Đúng là phần lớn tổng thống đương nhiệm lãnh đạo nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng tốt có xu hướng tái đắc cử dễ dàng. Vì thế, rất ít người nghi ngờ phát biểu của Trump tại Davos khi đó.
Tổng thống Trump tại Virginia hồi tháng 3/2020. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, quyết tâm tập trung vào kinh tế của Trump cũng đồng nghĩa ông coi nhẹ tính nghiêm trọng của đại dịch và các động thái ngăn chặn virus lây lan. Vì thế, đến tháng 3/2020, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ quay về mức thập niên 30. Các thị trường tài chính thì đồng loạt lao dốc.
Nhìn chung, kinh tế Mỹ dưới thời Trump có thể chia làm 2 phần: 3 năm đầu tiên thành công và năm 2020 thảm họa. Vào thời điểm ông thất bại trước Joe Biden trong cuộc bầu cử đầu tháng 11, nước Mỹ thực sự đã hồi phục đáng kể sau thời gian bị đại dịch tàn phá. Nhưng khi đó đã là quá muộn.
Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Trump, Mỹ tăng trưởng với tốc độ trung bình 2,5%. Tốc độ này được đánh giá khá vững chắc nếu không muốn nói là hiếm có. Dù vậy, trên thực tế, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định từ thời cựu Tổng thống Obama. Từ giữa năm 2009, GDP nước này tăng trung bình 2,25% mỗi năm. Nếu trừ đi phần kích thích nhờ Trump tăng chi cho quốc phòng, tốc độ tăng trưởng dưới thời hai tổng thống sẽ tương đương.
Bức tranh trên thị trường việc làm cũng tương tự. Dưới thời Obama, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nửa. Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ khi đó tin rằng tỷ lệ này khó có thể giảm thêm mà không khiến lạm phát tăng tốc. Trump nghi ngờ điều đó. Ông thay thế Chủ tịch Fed Janet Yellen bằng Jerome Powell - người sẵn sàng để tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn mức bền vững để lạm phát lên cao hơn mục tiêu. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tiếp tục đi xuống, chạm 3,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giai đoạn 2000 - 2020.
Số việc làm được tạo ra mỗi năm dưới thời Trump ít thời nhiệm kỳ 2 của ông Obama. Tuy nhiên, thị trường lao động ở gần mức toàn dụng (full employment) cũng đồng nghĩa các công ty phải trả lương cao hơn và tuyển cả những người trước đây khó xin việc, như có kỹ năng nghèo nàn hoặc khuyết tật. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người da màu cũng về dưới 6% lần đầu tiên kể từ thập niên 70.
Thu nhập trung bình của các hộ gia đình - chuẩn mực đánh giá chất lượng sống - tăng thêm 6.000 USD trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Trump. Trong suốt hơn 10 năm trước đó, con số này chỉ tăng hơn 250 USD.
Tuy nhiên, tất cả những xu hướng tích cực này đã đột ngột đảo chiều khi đại dịch lan đến Mỹ đầu năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp có thời điểm lên tới 14,7%. Và dù số liệu này đã giảm về 6,7% hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao gấp đôi so với cuộc khủng hoảng trước. Số người thất nghiệp hiện nhiều hơn 5 triệu so với đầu nhiệm kỳ của Trump.
GDP Mỹ giảm 5% trong quý đầu, sau đó lao dốc tới 31,4% quý II - theo số liệu đã điều chỉnh về cơ sở hàng năm, do hàng loạt hoạt động kinh tế bị đình trệ. Nền kinh tế này cũng rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật từ tháng 2.
Đến quý III, GDP Mỹ lại tăng kỷ lục 33,1%. Tuy nhiên, kể cả khi tốc độ hồi phục nhanh hơn dự báo, quy mô nền kinh tế này quý III có lẽ vẫn chưa thể bằng, hoặc vượt tiền đại dịch. Số liệu cho cả năm 2020 chưa được công bố, nhưng kinh tế Mỹ được dự báo co lại 4,5%.
Một số kết quả kinh tế khác mà Trump coi là thành tựu cũng không được giới phân tích đánh giá cao. Đầu năm 2018, tăng trưởng của Mỹ tăng tốc nhờ chính sách cắt giảm thuế chưa từng có tiền tệ. Tuy nhiên, kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's cho biết hiệu quả này không kéo dài lâu khi nền kinh tế đã gần đạt trạng thái toàn dụng và thâm hụt ngân sách phình to. Bên cạnh đó, sức tăng chủ yếu nhờ chi tiêu công, thay vì tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp.
Dưới thời Trump, nợ công của Mỹ tăng 7.000 tỷ USD lên 27.000 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách cho tài khóa kết thúc vào tháng 9/2020 là 3.000 tỷ USD, chủ yếu do các biện pháp chống Covid-19. Mức thâm hụt này dự kiến giảm nửa trong tài khóa hiện tại, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Dù vậy, điều này còn phụ thuộc vào các động thái dưới thời Biden.
Thị trường chứng khoán cũng là một trong những niềm tự hào của Trump. Trong nhiệm kỳ của Trump, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 70%. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu do lãi suất tại Mỹ xuống thấp kỷ lục, khiến nhà đầu tư tìm đến chứng khoán để có lợi nhuận cao hơn. Và dĩ nhiên, lợi nhuận cũng chủ yếu rơi vào túi những người Mỹ giàu có.
Chính sách hạn chế nhập cư của Trump đã làm giảm số người cạnh tranh cho các vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm số lượng người tiêu dùng tại Mỹ và co hẹp nguồn thu thuế.
Chiến tranh thương mại cũng là điểm nhấn trong nhiệm kỳ của Trump. Chính sách thuế nhập khẩu và các hiệp định thương mại thực sự đã giúp giảm thâm hụt trong ngành sản xuất vốn rất lớn trước đó. Trump đánh thuế lên hàng loạt đối tác, từ Trung Quốc, Mexico đến châu Âu để bảo vệ các ngành trong nước, như nông nghiệp, sản xuất, xây dựng, khai khoáng.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc vì thế giảm, nhưng thâm hụt với các nước khác lại tăng. Giới phân tích cho rằng thuế nhập khẩu có thể chuyển hướng thương mại từ nước này sang nước khác, hoặc trừng phạt các lĩnh vực cụ thể, nhưng có rất ít hiệu quả trong việc ảnh hưởng lên mức xuất nhập khẩu chung.
Guardian đặt ra câu hỏi rằng nếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tổ chức sớm hơn, hoặc muộn hơn một năm, kết quả liệu có khác đi? Vì trên thực tế, Trump đã giành được 47% số phiếu và sẽ tái đắc cử nếu các bang dao động bỏ phiếu cho ông.
Tuy nhiên, ông không thể ngăn Covid-19 tàn phá kinh tế Mỹ, và cũng không thể lùi ngày bỏ phiếu. Nhưng nếu chấp nhận thất bại một cách bình tĩnh hơn, Trump có lẽ sẽ được coi là một tổng thống kém may mắn, thay vì một kẻ thua cuộc cố chấp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: