Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để đưa ra một vị trí cụ thể để làm sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô vào thời điểm này (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, quy hoạch hiện hành đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đều không có sân bay ở Tiên Lãng.
Cách trung tâm Hà Nội 120km
UBND TP Hải Phòng vừa có công văn gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số hai Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ sở để Hải Phòng đưa ra đề xuất là tại Nghị quyết số 45/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
Trong khi đó, tại Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô chưa được xác định cụ thể mà chỉ khẳng định “sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2040”.
Trước đó, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô gồm: Sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.
Phát biểu tại Hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Tiên Lãng nên là sân bay thứ hai của Hải Phòng thay cho sân bay Cát Bi quá tải, thay vì là sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô.
“Chúng tôi đề xuất sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô vị trí ở Ứng Hòa (Hà Nội), Thanh Miện (Hải Dương), Phủ Lý (Hà Nam)”, ông Chính nói.
Nghiên cứu vị trí càng sớm càng tốt
Trước đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội. Vị trí mà Sở này đề xuất cũng nằm ở khu vực huyện Ứng Hòa.
Qua nghiên cứu, so sánh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, phương án bố trí sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm như: Khoảng cách và thời gian tiếp cận tới trung tâm Hà Nội hợp lý; có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt; thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển...
Trao đổi với Báo Giao thông về vị trí của sân bay thứ hai này, một chuyên gia kỳ cựu về đầu tư hàng không cho rằng, nếu chọn Tiên Lãng thì vừa có ưu điểm, vừa có nhược điểm. Trong đó, ưu điểm nổi bật là mặt bằng xây sân bay.
“Xây sân bay ở sát biển thì diện tích cần đến đâu có thể mở rộng đến đó, không ảnh hưởng đất nông nghiệp, không phải GPMB khu dân cư. Tương tự như sân bay Changi, cần thiết có thể kè, lấn biển. Đây là ưu điểm tuyệt đối của Tiên Lãng. Thứ hai, về vùng trời, do gần biển, không có núi nên không bị hạn chế bởi bất kỳ chướng ngại vật nào. Thứ ba, có thể phục vụ luôn cho thị trường Hải Phòng và dần bỏ sân bay Cát Bi vốn ở trong nội đô”, chuyên gia phân tích.
Mặc dù vậy, vị này cũng khẳng định Tiên Lãng khá xa Hà Nội (dù có thể khắc phục bằng đường cao tốc, bằng đường sắt tốc độ cao). Bên cạnh đó, nền đất ở đây do phù sa bồi đắp, không phải nền đất gốc như ở khu vực Sóc Sơn, Kép hay Thọ Xuân nên chắc chắn là nền đất yếu. Chi phí xây dựng sân bay cũng vì thế chắc chắn sẽ cao hơn.
Một nhược điểm nữa là khu vực này không gắn với thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là hàng không chủ yếu vận chuyển hàng công nghệ cao, trong khi những khu công nghiệp sản xuất mặt hàng này (như Samsung) chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang.
“Tôi cho rằng, quá sớm để đưa ra một vị trí cụ thể vào thời điểm này. Cái cần ngay là phải nhanh chóng tiến hành thu thập dữ liệu quan trắc về khí tượng thủy văn. Đặt sân bay ở bất kỳ đâu, dù là Ứng Hòa, Thanh Miện hay Tiên Lãng thì cũng phải xác định hướng đường cất/hạ cánh để đạt tối thiểu 95% thời gian sân bay hoạt động được (không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác như bay quân sự…), địa chất thủy văn ở đó ra sao, có thích hợp xây dựng một tổ hợp sân bay hay không?...”, chuyên gia nói và nhấn mạnh, cần triển khai ngay việc nghiên cứu sâu các vấn đề trên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Với một sân bay lớn thì thời gian nghiên cứu 10 năm không phải là nhiều.
Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Bách Tùng cho rằng, cần nghiên cứu ngay vị trí sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô.
“Tìm một vị trí sân bay rất nan giải chứ không phải khoanh 2.000 - 3.000ha là làm được sân bay. Sân bay Long Thành chúng tôi được giao nghiên cứu từ năm 1997. Sân bay làm trên vùng bằng phẳng nhưng phải tìm luận chứng từ năm 1997 - 2003 mới được Thủ tướng phê duyệt vị trí, nay mới khởi công, thời gian gần 25 năm”, ông Tùng dẫn chứng.
Theo quy hoạch hiện hành, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay (hiện cả nước có 22 sân bay đang khai thác), không có sân bay ở Tiên Lãng.
Tại Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT thực hiện, tư vấn lập quy hoạch đề xuất đến năm 2030 cả nước có 26 sân bay, giảm 2 sân bay do sân bay Nà Sản (Sơn La) và Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.
Định hướng đến năm 2050 cả nước có 30 sân bay. So với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống sân bay cả nước có thêm 4 sân bay Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và sân bay thứ hai cho Vùng thủ đô (được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040), không có sân bay ở Tiên Lãng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: