Hình minh họa
Lẽ ra đây phải là việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính cơ quan này mới là nơi phải thống kê, nghiên cứu xem tình trạng người già neo đơn hiện nay ra sao, từ đó đưa ra đề xuất chương trình xây trung tâm chăm sóc đối tượng này. Nói cách khác, nếu có thực hiện thì chính Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải là đơn vị chủ trì, còn Bộ Xây dựng chỉ đóng vai phụ, lo về mặt pháp lý, tiêu chuẩn xây dựng. Chẳng hạn như xây nhà cho đối tượng này tiêu chuẩn diện tích bao nhiêu, phòng sinh hoạt cộng đồng như thế nào, cầu thang có tay vịn hay đường đi cho xe lăn...
Đằng này Bộ Xây dựng lại làm thay việc của người khác khi đề xuất ba mô hình chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể các cơ sở công lập sẽ chăm sóc người già neo đơn thuộc diện chính sách; các trung tâm tư nhân trông nom người cao tuổi có điều kiện kinh tế; và nhóm thứ ba sẽ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo bộ, hiện cả nước có khoảng 100.000 người cao tuổi không nơi nương tựa và các cơ sở hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 3.500 người. Nếu đề xuất trên được phê duyệt, dự kiến đến quí 3-2015 các trung tâm này sẽ được hoàn thành.
Thực ra, vấn đề này đâu chỉ đơn giản là xây nơi ở là giải quyết xong. Ngược lại nó đòi hỏi bộ máy quản lý, cũng như nguồn tài chính để vận hành lâu dài, bằng không sẽ chẳng đi tới đâu. Không lẽ bộ cũng kiêm luôn?
Có người đặt vấn đề phải chăng Bộ Xây dựng đang muốn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng nên mở rộng thêm đối tượng, bên cạnh phân khúc nhà ở xã hội và nhà giá thấp hiện nay vốn đang rất chậm chạp trong tiến độ giải ngân. Họ đặt vấn đề vậy cũng có lý do, bởi trước giờ đâu thấy làm, nay bỗng nhiên lại đưa ra đề xuất xây nhà cho người già neo đơn.
Giám đốc một công ty địa ốc ví von Bộ Xây dựng đang mang bóng sang sân nhà người khác đá. Thay vì lo chuyện người khác, bộ nên tập trung giải quyết những ngổn ngang trong phạm vi, lĩnh vực của mình để giúp thị trường bất động sản hồi phục. Vẫn còn đó những bất cập cần giải quyết, từ chuyện tiền sử dụng đất đến vấn đề về cách tính diện tích căn hộ...
Riêng về gói 30.000 tỉ đồng, một trong những lý do khiến tiến độ giải ngân chưa được như kỳ vọng là nguồn cung nhà ở xã hội không có. Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đồng thời giúp nhanh chóng cung cấp nguồn cung nhà ở xã hội là cho phép các dự án nhà ở thương mại được chia nhỏ diện tích căn hộ, chuyển sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tiến độ và thủ tục xét duyệt nhiêu khê, nên tới giờ này mới chỉ có vài dự án được duyệt. Chẳng hạn như tại TPHCM, trong số năm dự án được phê duyệt mới chỉ có dự án của Công ty Địa ốc Hoàng Quân là khởi công xây dựng sau khoảng tám tháng lo các thủ tục chuyển đổi.
Có thể nói thị trường bất động sản khó khăn đang là cơ hội tốt cho Bộ Xây dựng thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, phân khúc nhà gần như giậm chân tại chỗ kể từ khi được khởi xướng từ năm 2005. Nhiều dự án sắp hàng xin được chuyển qua phân khúc này, điều mà trước đây họ không màng tới. Như Hiệp hội Bất động sản TPHCM lên tiếng, bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay đang tạo ra cơ hội chưa từng có cho cán bộ công chức và người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng từng phát biểu, đại ý ông không có tiền cho người dân mua nhà nhưng ông khẳng định sẽ tham gia xây dựng thể chế chính sách để giúp người dân cải thiện nhà ở. Ông cho rằng nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà không gắn với việc giúp người nghèo có nhà ở là chưa đạt yêu cầu. Có nghĩa một mũi tên phải nhắm hai mục tiêu.
Vấn đề hiện nay là khúc mắc về nguồn cung nhà giá thấp và nhất là thủ tục thông thoáng cho cả người dân và doanh nghiệp thực hiện, và điều này nằm trong tầm tay của bộ. Một khi các vấn đề được tháo gỡ và với sự hỗ trợ về mặt tài chính, người nghèo sẽ có khả năng có nhà để ở. Còn vấn đề người già neo đơn nên để cơ quan, bộ khác lo.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: