Chi phí tổ chức cưỡng chế và thiệt hại tài sản (nếu có) khi tiến hành thu hồi đất do công ty chịu trách nhiệm và trừ vào số tiền bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố cũng thông báo, đối với phần đất còn lại 28.248 m2 Công ty Rượu Bình Tây cũng phải sớm bàn giao cho UBND quận 6 quản lý.
Trước đó, từ năm 2003, thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, rượu Bình Tây là một trong những cơ sở sản xuất thuộc diện phải di dời. Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã có quyết định phê duyệt dự án di dời nhà máy chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2003 - 2005 và giai đoạn 2, từ năm 2005 - 2010. Năm 2006, công ty đã thực hiện xong giai đoạn 1, di dời được phần nhà xưởng sản xuất cồn về KCN Tân Đông Hiệp B, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Phần còn lại (giai đoạn 2) gồm: Phân xưởng chiết rượu, kho vật tư và các bộ phận khác vẫn hoạt động tại cơ sở cũ trên diện tích khoảng 70.000 m2.
Tháng 7/2009, UBND TP.Hồ Chí Minh quyết định thu hồi khoảng 49.403 m2, giao UBND quận 6 tạm thời quản lý để chờ thành phố bố trí sử dụng theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Đến tháng 6/2010, thành phố tiếp tục ra Quyết định số 2744/QĐ-UBND thu hồi 21.156 m2 đất còn lại của công ty cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để xây dựng Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng. UBND thành phố yêu cầu công ty nhanh chóng bàn giao mặt bằng.
Cho đến nay, mặc dù UBND thành phố đã thông báo sẽ cưỡng chế di dời, nhưng công ty vẫn chưa biết phải “di về đâu”. Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Danh Vinh - Tổng giám đốc công ty - cho rằng: Thời gian qua, công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn (dự toán di dời lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong khi nguồn hỗ trợ của thành phố chỉ như “muối bỏ bể”). Cụ thể: UBND thành phố chấp thuận phương án đền bù cho rượu Bình Tây với số tiền là 18 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư 16 tỷ đồng và chi phí tháo dỡ, di dời và lắp đặt máy móc, thiết bị 2 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính, toàn bộ số tiền này đã được chuyển về Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 6, sẵn sàng chi trả cho rượu Bình Tây khi thu hồi được mặt bằng.
Ông Nguyễn Danh Vinh trần tình: Thực tế, giai đoạn 1, số vốn triển khai di dời đã lên tới 153 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã phải vay vốn từ các doanh nghiệp khác của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với số tiền là 110 tỷ đồng. Số tiền này đến nay vẫn chưa có khả năng thanh toán. Do thiếu vốn nên việc thực hiện giai đoạn 2 vẫn chưa tiến hành được. Dự toán, nguồn vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 60 tỷ đồng và thời gian đầu tư phải mất 6 tháng, nếu tìm được địa điểm (hiện rượu Bình Tây vẫn chưa tìm được địa điểm). Vì vậy, với số tiền đền bù của thành phố, rượu Bình Tây khó có thể di dời đi đâu.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Danh Vinh nói rõ: Với ý thức trách nhiệm của một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, rượu Bình Tây sẵn sàng bàn giao đất cho Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, trong thời hạn 30 ngày theo quyết định của thành phố, công ty không thể thực hiện bàn giao mặt bằng.
Ông Vinh kiến nghị: Để tạo điều kiện cho rượu Bình Tây, thành phố tiếp tục cho phép công ty sử dụng mặt bằng liền kề để di dời xưởng, kho hàng hóa, văn phòng nhằm giảm bớt chi phí đầu tư và thời gian (dự tính vốn di dời là 22,9 tỷ đồng và thời gian di dời là 4 tháng). Về lâu dài, để có nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2, UBND thành phố đồng ý cho công ty chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên phần diện tích còn lại (sau khi đã bàn giao cho Bộ LĐ-TB&XH) và cho phép sử dụng nguồn vốn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện kế hoạch di dời.
Trước những khó khăn rượu Bình Tây đang đối mặt, ngày 5/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND TP.Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ: Công ty rượu Bình Tây đã thực hiện nghiêm túc chủ trương di dời của Chính phủ và UBND thành phố. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công ty gặp rất nhiều khó khăn về vốn nên UBND TP.Hồ Chí Minh cân nhắc việc cưỡng chế thi hành di dời để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của công nhân, gây thiệt hại cho các cổ đông, trong đó phần lớn là cổ đông nhà nước chiếm hơn 80%.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: