Một quan chức của Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, cho rằng sở dĩ việc công bố quy hoạch chung chậm gần hai năm sau Quyết định phê duyệt của Thủ tướng vì đồ án cần được chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật thông tin cho phù hợp với thực tế.
Cụ thể, TPHCM phải chờ kết quả tư vấn của các cơ quan về một số dự án giao thông được triển khai trong thời điểm làm quy hoạch chung như dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai 1, 2… để cập nhật, hoàn thiện đồ án quy hoạch.
“Đến nay, công tác cập nhập thông tin mới vào đồ án quy hoạch đã xong”, ông Thụ nói.
Theo quy hoạch vừa được hoàn thiện, vùng phát triển của thành phố gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới với tổng diện tích khoảng 49.400 héc-ta. Các quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Bình Chánh sẽ phát triển thành vùng công nghiệp…
Để phục vụ cho yêu cầu phát triển ra các hướng, TPHCM sẽ xây dựng một số tuyến đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt chuyên dụng (từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước…); đồng thời xây dựng 19 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải (trong đó có cầu nối từ Bình Quới - Thanh Đa sang Hiệp Bình Chánh).
Quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu phải bảo tồn nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi.
Với quy hoạch này, đến năm 2025, dân số thành phố vào khoảng 10 triệu người (trong đó các quận nội thành là 7,4 triệu người); diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 héc ta, với bốn khu đô thị mới là: Thủ Thiêm (737 héc-ta), Hiệp Phước (3.900 héc-ta), Tây Bắc (6.000 héc-ta) và Khu công nghệ cao (872 héc-ta).
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: