Hậu quả của việc nhập thiết bị cũ
Một số doanh nghiệp ngành xi măng cho rằng đây chỉ mới là phần nổi và đằng sau đó còn rất nhiều công ty xi măng khác đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn.
Năm 2010, Trung Quốc cho khai tử 300 triệu tấn công suất xi măng, trong đó hầu hết là công nghệ lò quay công suất 1 triệu tấn mỗi năm. Việc loại ra những thiết bị, công nghệ lạc hậu là điều bình thường, nhưng điều không bình thường ở đây là các loại thiết bị và công nghệ ấy lại được ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam trong 5-6 năm qua. Một doanh nhân có thâm niên trong ngành xi măng ước tính: “Hiện có khoảng 60-70% nhà máy xi măng kiểu lò quay ở Việt Nam sử dụng thiết bị và công nghệ của Trung Quốc”.
Trong thập niên 1990 của thế kỷ trước, Việt Nam đã từng phải trả giá cho phong trào phát triển xi măng lò đứng. Chỉ trong 7-8 năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, để rồi chẳng bao lâu sau, đến năm 2004, nhiều nhà máy bị Chính phủ yêu cầu phải khai tử vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là không có hiệu quả kinh tế.
Có thể thấy, bài học công nghệ lò đứng còn chưa kịp lắng xuống thì ngành xi măng đã lại mắc ngay vào một sai lầm mới. Đó là phong trào làm xi măng lò quay và cũng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Đại diện một công ty xi măng cho biết, loại công nghệ lò quay công suất 1 triệu tấn/năm của Trung Quốc có suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng nhiều hơn hẳn so với của châu Âu. Chất lượng thiết bị kém, dễ hỏng hóc trong quá trình vận hành nhưng bù lại, giá rất rẻ và có thể làm nhanh, vì Trung Quốc lúc nào cũng có sẵn thiết bị để bán, không như các công ty châu Âu, chỉ chế tạo theo đơn đặt hàng.
Đầu tư thiết bị, công nghệ rẻ tiền không hiệu quả hơn so với những dây chuyền sản xuất hiện đại của Nhật hay châu Âu. Điều này doanh nghiệp nào cũng biết. Tuy nhiên, vì thiết bị của Trung Quốc quá rẻ, lại mua được ngay, cộng với thị trường xi măng trong những năm 2004-2005 trở về trước luôn trong tình trạng cung nhỏ hơn cầu, đã thúc đẩy phong trào đầu tư xi măng bằng thiết bị Trung Quốc. Chỉ trong vòng bảy năm, công suất thiết kế của ngành xi măng tăng gần ba lần, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng được gấp đôi. Việc đầu tư ồ ạt và rất nhiều nhà máy mới vào vận hành gần như cùng lúc đã làm cho thị trường xi măng nhanh chóng trở nên “bội thực”.
Cạnh tranh để tất cả cùng chết
Khó khăn của nhiều doanh nghiệp xi măng hiện nay không hẳn chỉ do tác động của chính sách chống lạm phát của Chính phủ, mà đã xuất hiện từ mấy năm trước. “Để duy trì dòng tiền, hòng có thể trả được các khoản nợ khi đến hạn thanh toán trong điều kiện thị trường cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp xi măng chưa có tên tuổi đã chọn giải pháp hạ giá bán thành phẩm để cạnh tranh, thậm chí là bán dưới giá thành”, giám đốc một công ty xi măng nói và theo ông “đây là giải pháp liều lĩnh. Nhiều công ty đến nay đã mất khả năng trả nợ”.
Cuộc cạnh tranh trong ngành xi măng hiện nay dường như không có người thắng, kẻ bại, mà tất cả cùng chết. Đại diện một doanh nghiệp cho biết nếu khấu trừ trượt giá do lạm phát, thì giá xi măng hiện nay thậm chí còn thấp hơn giá của năm 2003-2004. Trong khi đó, mọi chi phí đầu vào đều tăng gấp đôi, thậm chí có cái tăng gấp ba, nên ngành này từ chỗ có hiệu suất sinh lời cao, nay đã trở thành một trong những ngành ít hiệu quả nhất.
Sự thiếu đồng bộ giữa phát triển ngành xi măng và cơ sở hạ tầng cũng là nguyên nhân quan trọng đẩy nhiều doanh nghiệp xi măng, nhất là các công ty ở phía Bắc rơi vào khó khăn. Do phân bố tự nhiên của nguồn nguyên liệu là đá vôi, nên hầu hết các nhà máy xi măng tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém khiến cho chi phí vận chuyển xi măng từ Bắc vào Nam để tiêu thụ rất cao. “Việt Nam đến nay vẫn chưa có cảng để xuất xi măng, clinker”, một doanh nghiệp ngành xi măng nói. Ông cho biết, để chuyển xi măng, clinker từ khu vực Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, nơi tập trung số lượng nhà máy xi măng dày đặc nhất nước, phải bốc hàng lên xe tải, chở đến bến sông gần đó rồi bốc lên sà lan để chở ngược ra cảng Cửa Dừa ở Quảng Ninh, sau đó bốc từ sà lan sang tàu lớn để đưa vào Nam. Tổng cộng cước phí vận chuyển khoảng 700.000-800.000 đồng/tấn, tương đương 40-45% giá bán lẻ. Điều này giải thích vì sao hầu hết những công ty xi măng có nguy cơ phá sản đều tập trung ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Hà Nam và Ninh Bình.
Vai trò của Nhà nước ở đâu?
Khó khăn mà ngành xi măng đang đối mặt trước hết là do lỗi của doanh nghiệp, nhưng khiếm khuyết của cơ quan quản lý nhà nước cũng góp phần không nhỏ.
Trước hết, Nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu. Năm 2004, khi yêu cầu các nhà máy xi măng lò đứng phải đóng cửa hoặc chuyển đổi sang công nghệ lò quay, các cơ quan quản lý nhà nước đã không rút bài học kinh nghiệm từ công nghệ lò đứng để ngăn tình trạng này tái diễn với công nghệ lò quay, mà còn để cho những thiết bị và công nghệ bỏ đi của Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam.
Thứ hai, công tác quản lý quy hoạch không chặt chẽ. Rất nhiều dự án do các địa phương xé rào hoặc vì lý do nào đó đã được chấp thuận cho bổ sung vào quy hoạch, cho dù đã có những cảnh báo về nguy cơ thừa xi măng. Thậm chí, có tỉnh còn tự đứng ra làm nhà máy xi măng, lấy cả vốn ODA của Chính phủ phân bổ cho mục tiêu khác để làm, rồi kham không nổi, phải bỏ cuộc giữa chừng.
Thứ ba, công tác dự báo thị trường còn nhiều khiếm khuyết. Các dự báo về nhu cầu phát triển của thị trường thường là viễn cảnh tươi sáng, với sự gia tăng đều đặn. Không có những dự báo về tình huống xấu, chẳng hạn như tác động của khủng hoảng kinh tế, của lạm phát...
Ngoài ra, Việt Nam cũng ảo tưởng về khả năng xuất khẩu xi măng. Các vị lãnh đạo của một số cơ quan quản lý nhà nước trước đây đã tỏ ra hào hứng khi nói về viễn cảnh Việt Nam sẽ có dư xi măng để xuất khẩu. Chỉ đến khi bắt tay vào nghiên cứu, tìm hiểu, các doanh nghiệp xi măng mới nhận ra xuất khẩu xi măng gần như là không khả thi (ngoại trừ bán một ít sang Lào, Trung Quốc), vì điều kiện cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển, thị trường và một loạt các vấn đề hậu cần khác. Có lẽ do quá tin tưởng vào xuất khẩu, nên những cảnh báo về khả năng thừa xi măng đã không được các cấp quản lý quan tâm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: