Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa có văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn và ngân hàng Vietinbank liên quan đến việc đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Một đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trong đó đề nghị Tỉnh ủy Lạng Sơn thanh kiểm tra các cá nhân tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (Ban QLDA) làm khó doanh nghiệp, khiến dự án kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư chung. Đồng thời kiến nghị tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định năng lực của Liên danh nhà đầu tư và đánh giá nguồn vốn huy động khác theo Luật PPP trước khi phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu công khai minh bạch sau khi dự án được phê duyệt.
Cũng trong văn bản này, Công ty Đèo Cả đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn cùng nhà đầu tư làm việc với ngân hàng Vietinbank giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trước khi triển khai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng (dự án thành phần 2).
Đề xuất khác thường cho phương án hoàn vốn gần 40 năm…
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả cho rằng, năm 2015, khi được Lạng Sơn mời thay thế nhà đầu tư UDIC thực hiện dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, chúng tôi đã đánh giá, dự án không khả thi vì thiếu tính kết nối khi còn 30km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, thu phí 2 đầu sẽ mâu thuẫn lợi ích người dân.
Đại diện công ty cho rằng, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khi đó là ông Trần Sỹ Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, ông Phạm Ngọc Thưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã thuyết phục Công ty Đèo Cả bằng việc đồng hành làm việc với các cơ quan Trung ương, báo cáo Chính phủ chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tỉnh Lạng Sơn. Các bên nêu cao trách nhiệm đối với sự phát triển hạ tầng giao thông đất nước.
“Nhà đầu tư xác định một khi vụ án đánh bạc rửa tiền của ông Nguyễn Văn Dương (Dương UDIC) xảy ra, dự án sẽ rơi vào bế tắc. Các bên xác định vừa làm vừa tháo gỡ quyết tâm tiếp tục triển khai tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng để liên thông các cửa khẩu, tăng hiệu quả dự án”, ông Thế nói.
Sau khi thông tuyến đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 xuống còn 2,5 tiếng.
Khi Tập đoàn Đèo Cả vào tiếp quản dự án, đến cuối năm 2019 đã đưa cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào hoạt động sau chỉ hơn 2 năm xây dựng, vượt kỷ lục các tuyến cao tốc trước đó. Để phục vụ an sinh xã hội, các bên đã thống nhất giảm 1 trạm thu phí, miễn, giảm phí cho 10.000 xe cho người dân địa phương, gấp 10 lần phương án ban đầu.
Theo tính toán của Vietinbank chi nhánh Hà Nội, sự điều chỉnh đó khiến ngân hàng bị thiếu hụt nguồn trả lãi vay gốc tới hàng trăm tỉ (660 tỉ đồng cho 4 năm đầu dự án Bắc Giang - Lạng Sơn và 112 tỉ đồng cho hai năm đầu dự án Hữu Nghị - Chi Lăng) so với phương án tài chính ban đầu.
Về việc này, Kiểm toán Nhà nước trong văn bản 460/KTNN ngày 28/12/2020 gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Trong trường hợp đến năm 2022, dự án chưa thể bổ sung được nguồn vốn ngân sách Nhà nước như dự kiến, và lưu lượng xe không tăng trưởng đúng kỳ vọng, đồng thời tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa thể triển khai đúng tiến độ thì khả năng hoàn vốn của dự án có thể không đảm bảo tính khả thị theo phương án tài chính được duyệt”.
Trong quá trình thực hiện Hữu Nghị - Chi Lăng, doanh nghiệp dự án đã làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Trung ương, Ngân hàng cấp tín dụng đã báo cáo thực trạng khó khăn của dự án để được hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cho rằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Lạng Sơn chưa làm tròn trách nhiệm khi xử lý các vướng mắc tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh Lạng Sơn lại có báo cáo số 251/BC-BQLDA, đề nghị tách phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT.
Theo phương án này, Dự án Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ có thời gian thu phí lên tới gần 40 năm trong khi một số Dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam có phần hỗ trợ của Nhà nước 50% vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn dưới 20 năm đều chưa tìm được Nhà đầu tư tham gia (theo Báo cáo số 610/BC-CP ngày 02/12/2020 Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Văn bản kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho rằng: “Đề xuất của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng là gây bất lợi cho nhà đầu tư, phải chăng vì “lợi ích nhóm” bởi khó có ngân hàng thương mại nào chấp nhận thu hồi vốn trong khoảng thời gian dài đến như vậy nên dự án phải quay về đầu tư công, Ban QLDA sẽ thực hiện việc chọn lựa các nhà thầu…”.
Những vướng mắc không được xử lý, nhà đầu tư sẽ rút lui
Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả nhận định: “Nguồn vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ đồng các nhà đầu tư đã góp từ hơn 3 năm nay để chi trả cho giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế, thi công không đem lại hiệu quả do dự án bị đình trệ kéo dài.
Với phương án đề xuất tách nhỏ thành 2 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư công độc lập, tỉnh đã đẩy phần khó khăn, thiệt hại và rủi ro về dự án đầu tư PPP còn lại”.
Nhận thấy Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biêt đơn vị trị trực tiếp quản lý là Ban Quản lý xây dựng tỉnh Lạng Sơn liên tục đưa ra các điều kiện khó, gây cản trở, thiếu hợp tác tháo gỡ các tồn tại trước đây khiến cho thời gian chuẩn bị thực hiện dự án kéo dài, gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả tuyến bố sẽ rút khỏi liên danh nhà đầu tư tham gia dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
“Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, uy tín đã cam kết với người dân, chúng tôi chủ động dừng đầu tư dự án này để tập trung cho các khu vực khác. Chúng tôi sẽ trở lại tham gia đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư khi các tồn tại được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết”, ông Trần Văn Thế cho biết./.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: