Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc các chủ đầu tư thường xuyên quên lợi ích của người dân bắt nguồn từ chính lợi nhuận của họ. Nghĩa là khi chủ đầu tư đầu tư một chung cư (cao cấp hay trung bình khá), giá mỗi mét vuông nhà từ tầng hầm để xe, siêu thị, văn phòng đã chia đều cho mỗi mét vuông của căn hộ để tính ra giá bán cho khách hàng.
Như vậy, việc khách hàng bỏ tiền ra mua mỗi mét vuông chung cư từ 20 - 35 triệu đồng cũng đã góp tiền đầu tư vào các công trình dịch vụ của tòa nhà như tầng hầm để xe, thang máy, hệ thống chữa cháy, các khu đất công cộng xung quanh tòa nhà… Tuy nhiên, khi thu các loại phí dịch vụ cho thuê văn phòng, siêu thị, ki - ốt kinh doanh, phí trông giữ xe… thì chủ đầu tư đã không bóc tách các khoản tiền này ra. Đáng lẽ, chủ đầu tư chỉ được thu phí đảm bảo chi trả cho việc thuê lực lượng làm dịch vụ và bộ máy vận hành của chung cư, chứ không được tính phí theo kiểu coi các công trình hạ tầng là hoàn toàn của mình, muốn định mức phí bao nhiêu cũng được…
Theo một số chuyên gia ngành Xây dựng, để đánh giá chất lượng nhà chung cư, yếu tố cơ bản được đặt ra đầu tiên chính là chất lượng xây dựng có được đảm bảo yếu tố kỹ thuật, có đúng quy trình quy phạm không và hoàn thiện công trình ở mức nào?
Bên cạnh đó, chất lượng nhà chung cư phải gắn liền với các công trình tiện ích, công cộng như chỗ để xe, vườn hoa, cây xanh, không gian tạo cảnh quan cho chung cư, khoảng cách giãn giữa các khối nhà, phải có nhà sinh hoạt cộng đồng… Trong đó, những diện tích sinh hoạt cộng đồng phải đảm bảo tiêu chuẩn cho cộng đồng chung cư ở đó. Đồng thời, chất lượng dịch vụ, vận hành chung cư phải được quản lý bởi các cơ quan chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, có một thực tế đó là quỹ bảo trì chung cư đang bị chủ đầu tư tại một số dự án chung cư giữ chặt, không chịu bàn giao số tiền bảo trì, chung cư xuống cấp cũng không chịu sửa, gây bức xúc cho người dân. Theo quy định của nhà nước, chủ đầu tư phải cùng chủ sở hữu căn hộ thành lập các hội đồng chung cư để quản lý kinh phí bảo trì, nhưng vì không tổ chức được nên kinh phí được sử dụng không đúng mục đích hoặc chưa sử dụng hết giá trị cho chất lượng phục vụ công trình. Điều này đã xảy ra tại Khu nhà ở thương mại và dịch vụ Nàng Hương (Chung cư Nàng Hương) thuộc P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP Hà Nội cách đây vài năm. Chung cư này do Cty CP Xây lắp điện I (PCC I) làm chủ đầu tư, được khánh thành và bắt đầu bàn giao nhà từ tháng 6/2010.
Theo chủ đầu tư và Cty Nàng Hương cho biết, những người dân ở đây thuộc Tổ dân cư số 12, P.Văn Quán, Q.Hà Đông. Nhưng trong thực tế, cả năm trời người dân không được họp phố, không sinh hoạt chính quyền, đoàn thể, học sinh nghỉ hè không biết sinh hoạt ở đâu dù có hộ khẩu tại nơi cư trú. Không những thế, đơn vị quản lý tòa nhà còn thu phí giữ xe, phí diện tích sinh hoạt như lòng đường, vỉa hè… cao hơn quy định.
Đến nay, sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư, cơ quan chức năng, toàn bộ cư dân của chung cư Nàng Hương đã có được nơi sinh hoạt cộng đồng và được tham gia họp tổ dân phố cùng với các hộ dân Tổ dân cư số 12; phí thu giữ xe cũng đã được giảm xuống theo quy định…
Theo ông Liêm, để khắc phục tình trạng yếu kém về chất lượng đầu tư xây dựng, chúng ta đã có cả hệ thống pháp luật. Nhưng để kiểm soát tốt chất lượng các chung cư hiện nay, đặc biệt đối với các công trình tiện ích, đòi hỏi chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, khi lập dự án phải quan tâm đến, đừng để sau này đi vào khai thác sử dụng thì lộ ra những khiếm khuyết, sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong quá trình vận hành.
Chưa kể, chung cư ở nước ta tính chuyên nghiệp không cao và cũng chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý; thiếu sự chặt chẽ trong từng bước và năng lực của nhà thầu, giám sát còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, việc tự ý thức trong xây dựng và quản lý chất lượng công trình là yếu tố then chốt trong sự phát triển của DN nói riêng và tạo niềm tin cho khách hàng nói chung.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: