Bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội
Hệ thống dịch vụ xã hội đô thị gồm các dịch vụ: Nhà ở xã hội cho người dân; nước sạch, vệ sinh môi trường; y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao giải trí, sinh hoạt cộng. Có thể thấy, dịch vụ xã hội đô thị đã góp phần chuyển tải vào thực tế cuộc sống những chính sách về an sinh xã hội, cân đối và hài hòa sự đóng góp cũng như lợi ích của các nhóm dân cư; bảo vệ và bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ của các nhóm dân cư yếu thế trong xã hội nhằm mục tiêu chung là bảo đảm tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân; đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh của hệ thống đô thị quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự phát triển của hệ thống các dịch vụ xã hội đô thị còn bộc lộ một số hạn chế: Chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc đa đạng, toàn diện có tính chia sẻ giữa Nhà nước và xã hội, giữa các nhóm cư dân; chưa khuyến khích được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia một cách hiệu quả; thiếu tính liên kết giữa các quy hoạch, chiến lược, chương trình phát triển từng lĩnh vực dịch vụ; công tác đầu tư xây dựng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ thiếu tính đồng bộ và không được gắn kết thống nhất thông qua chương trình phát triển đô thị. Một số chỉ tiêu phát triển dịch vụ đô thị không còn phù hợp trong giai đoạn phát triển mới.
Trước thực tế đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 02/8/2016 về việc tăng cường phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng xã hội phù hợp mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch đô thị, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, giám sát trách nhiệm của các chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị trong việc đầu tư xây dựng công trình cũng như cung cấp dịch vụ cho người dân là một trong những vấn đề thiết yếu để phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đô thị.
Ban hành tiêu chí đánh giá dịch vụ xã hội đô thị
Cùng với đó, việc ban hành và triển khai thực hiện các định hướng phát triển dịch vụ xã hội đô thị gắn liền với việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia là nhiệm vụ cần thiết, đồng thời với việc hướng dẫn, giám sát các địa phương cụ thể hóa các định hướng phát triển dịch vụ xã hội đô thị trong các chương trình, kế hoạch phát triển của từng đô thị.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu điều chỉnh và ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá về chất lượng đô thị trong đó có các tiêu chí đánh giá về hạ tầng xã hội và dịch vụ xã hội đô thị. Đồng thời, nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng các mô hình tổ chức quản lý, vận hành các công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường đô thị và nhà ở xã hội hiệu quả.
Bên cạnh đó, các Bộ ngành chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư để đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh cung cấp dịch vụ xã hội đô thị; xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội đô thị.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: