Tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Nguồn: TCTK và dự báo
Ngày 3/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố “Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2012”, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 của Việt Nam xuống còn 5,1% trước khi tăng lên 5,7% trong năm 2013. Ngoài ra, ADB dự báo đến cuối năm 2012, lạm phát cả nước sẽ là 7% trước khi tăng tốc lên 9,4% vào cuối năm 2013. Tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm nay sẽ là 9,1%.
Trong một báo cáo ra ngày 10/8, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP 2012 của Việt Nam là 5,2% và 2013 sẽ khá hơn với mức 5,7%. Hồi tháng 5 vừa qua, WB dự báo ở mức cao hơn với 5,7% năm 2012 và 6,3% năm 2013. WB cho rằng tăng trưởng đầu tư của Việt Nam có thể phục hồi phần nào trong các tháng còn lại của năm nay khi dư địa cho chính sách trở nên thuận lợi hơn.
Một ngày sau đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,1% trong năm 2012, bằng với mức dự báo của ADB đưa ra. IMF cũng dự báo con số trong năm 2013 là 5,9%. Các kết quả đều thấp hơn so với ước tính công bố hồi tháng 4 là 5,6% cho năm 2012 và 6,3% năm 2013 của chính tổ chức này.
Ngoài ra, IMF còn dự báo lạm phát năm 2012 của Việt Nam ở mức 8,1%, thấp hơn đáng kể so ước tính hồi tháng 4 là 12,6%. Năm 2013, IMF dự báo lạm phát Việt Nam tiếp tục hạ nhiệt về mức 6,2% so với ước tính trong tháng 4 là 6,8%.
Theo IMF, các quốc gia có lạm phát cao như Ấn Độ và Việt Nam không thể nới lỏng chính sách nếu không hạ thấp nhu cầu trong nước bằng cách điều chỉnh các biện pháp tài khóa.
Nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam cũng cho biết, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2012 sẽ chậm lại, chỉ đạt 5,3%, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 5,9% của năm 2011.
Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm cũng là nguyên nhân khiến tổ chức này giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013 xuống còn 6% so với mức 6,6% đưa ra trước đó.
Theo EIU, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng một giai đoạn lạm phát thấp hơn và ổn định hơn tại Việt Nam là hết sức cần thiết để loại bỏ những quan ngại của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.
Mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính sách) phát biểu trên báo chí rằng, với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm của Việt Nam là 4,73% thì mức dự báo của WB cả năm là 5,2% là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại, không quá lạc quan hay bi quan.
Trong báo cáo mới nhất của HSBC cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng nhằm đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô. HSBC cũng dự báo tăng trưởng kinh tế 2012 của Việt Nam là 5,0%, lạm phát trung bình là 9,2%.
HSBC bình luận rằng: Trong khi Chính phủ chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng về việc làm thế nào tạo ra một bộ máy kinh tế hiệu quả hơn thì đã xuất hiện một vài dấu hiệu tăng trưởng.
Những số liệu báo cáo mới nhất cũng chỉ ra rằng sản lượng sản xuất đã ổn định: chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành Sản xuất Việt Nam (PMI) của HSBC trong tháng 9 đã đạt mức gần 50 điểm, hoạt động xuất khẩu đã phục hồi, cán cân thương mại từ đầu năm đến nay đang thặng dư, lạm phát chỉ ở mức một con số, đồng Việt Nam về cơ bản duy trì sự ổn định và nền kinh tế đã tăng nhẹ trong quý 3/2012. Bình luận của các chuyên gia HSBC cũng nêu rõ, tình hình kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, song dấu hiệu phục hồi đang quay trở lại.
Như vậy, mặc dù hầu hết các tổ chức lớn đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 4, tuy nhiên đều đánh giá khá tích cực. Các tổ chức cho rằng GDP quý 4 tăng khá mạnh để đưa GDP cả năm vượt mức 5%. Đặc biệt, HSBC lại nhận định lạc quan là “có dấu hiệu phục hồi”.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam chưa có gì cải thiện. Thâm hụt ngân sách 9 tháng đầu năm gần bằng mức kỷ lục năm 2009 và bằng gần 7% GDP, nên Chính phủ khó mà tiếp tục tung tiền để kích thích kinh tế. Không những vậy doanh nghiệp khó khăn, nợ xấu tăng mạnh, còn ngân hàng đang thiếu thanh khoản. Như vậy, nếu GDP quý 4 tăng mạnh để kinh tế cả năm tăng trên 5% thì đây là một điều thần kỳ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: