Không hiến định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội có lẽ là một trong những nội dung được sự đồng thuận cao nhất khi góp ý sửa Hiến pháp.
Trên cơ sở ý kiến chung của toàn ngành, kiến nghị này vừa được Bộ Tư pháp đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vừa diễn ra ngày 15/3.
Khoản 3 điều 58 dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Bộ Tư pháp cho rằng quy định này rất dễ bị lạm dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Những bất ổn khiếu nại, khiếu kiện đông người phần lớn đều xuất phát từ cơ chế bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Không hiến định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội có lẽ là một trong những nội dung được sự đồng thuận cao nhất khi góp ý sửa Hiến pháp.
Cùng ngày 15/3, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý và Chương trình phát triển Liên hợp Quốc lấy ý kiến hoàn thiện các quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp về kinh tế, xã hội. Tại đây, TS Vũ Thị Lan Anh (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng không nên dùng từ “thu hồi đất” vốn mang tính áp đặt tại điều 58 mà nên thay thế bằng “trưng mua, trưng dụng”.
Cũng theo bà Lan Anh thì không nên đưa ra lý do để thu hồi đất là “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” vì sẽ rất dễ dẫn đến sự lạm dụng việc triển khai các dự án để thu hồi đất của tổ chức, cá nhân để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận trên danh nghĩa đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu bỏ cụm từ này thì vẫn không ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội của nhà nước vì sẽ thuộc trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được quy định tại chính điều 58, bà Lan Anh giải thích rõ hơn.
Và câu hỏi được bà đặt ra ngay sau đó là, nếu sau khi thu hồi đất, có sự thay đổi kế hoạch và đất đã thu hồi không được sử dụng đúng mục đích thu hồi thì người bị thu hồi có quyền đòi lại đất hay không?
Dù đồng tình vẫn nên duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, song TS. Đặng Vũ Huân (tạp chí Dân chủ và Pháp luật) cho rằng nếu như công nhận “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” thì nên bỏ khoản 3 điều 58 của dự thảo.
Bởi, khoản 3 điều 56 đã quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường”. Về bản chất, trưng mua trưng dụng có bồi thường cũng là thu hồi đất, ông Huân lý giải.
Ông Huân cũng nhắc lại một điều đã cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, là phần lớn khiếu kiện liên quan đến đất đai đều do giá đền bù không thỏa đáng, không theo giá thị trường.
Trưng mua trưng dụng thay vì thu hồi có bồi thường cũng là đề nghị của không ít ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp trong hai ngày 13 và 14/3.
Điều hành hội nghị này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, ông đã ngồi trong Hội đồng lý luận Trung ương một ngày để nghe nhiều ý kiến bàn luận về quyền sở hữu đất đai, cuối cùng gút lại một ý chung vấn đề dân bức xúc bây giờ không phải là ở hình thức sở hữu hay chế độ sở hữu, mà ở chỗ thực hiện quyền như thế nào để bảo vệ được sự công bằng, hợp lý và lợi ích hài hòa giữa các chủ thể.
Nhấn mạnh mong muốn của nhiều vị đại biểu là Hiến pháp phải thể hiện được rõ quyền của người đại diện chủ sở hữu nhà nước và quyền của người sử dụng đất để tránh tất cả những bất cập, thiếu sót hiện nay, ông Lưu cho rằng “còn khi nào thì thu hồi, trưng thu, trưng mua hay trưng dụng để phù hợp giữa điều 56 với điều 58 là phải cân nhắc”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: