Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thời gian vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng và các trang quảng cáo mời gọi đầu tư bất động sản có xuất hiện mô hình dự án du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh...
Ngày 21/7/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5910/VPCP-KGVX về việc xử lý thông tin qua bài viết đăng trên Báo Đầu tư: “Thị trường BĐS với khoảng trống pháp lý của mô hình farmstay”, trong đó có thông tin: “mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) nở rộ với nhiều phiên bản mới, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Phần lớn các dự án farmstay có nguồn gốc là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Cần sớm có nghiên cứu, khảo sát để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình này, tránh để xảy ra các biến tướng tiêu cực gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, farmstay là mô hình dự án có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của nhiều ngành như: Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng... Vì vậy đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có biện pháp quản lý, giải quyết đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện.
Trong đó, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị kiểm tra, chỉ đạo theo những nội dung sau:
Kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (famrstay) nêu trên; xác định các khu có vi phạm pháp luật đất đai, làm rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời theo đúng quy định; các khu chưa có vi phạm pháp luật đất đai hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý, chưa có trong quy định của pháp Luật Đất đai để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm (nếu có) và có hướng nghiên cứu đánh giá đối với các mô hình nêu trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Chính quyền địa phương các cấp cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh đối với các dự án nêu trên để tránh tình trạng vi phạm pháp luật đất đai về chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; công khai trên các phương tiện thông tin của địa phương các khu vực, dự án có sai phạm để người dân và doanh nghiệp biết, tránh đầu tư, mua, bán, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và vi phạm pháp luật.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các nội dung còn vướng mắc về pháp lý liên quan đến đất đai, đề xuất biện pháp giải quyết, tổng hợp báo cáo gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Quản lý đất đai) trước ngày 30/10/2020 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: