Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, hé mở hướng khắc phục một trong những tồn tại nhức nhối đang bộc lộ trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc xác định giá trị đất đang bộc lộ “lỗ hổng”, dẫn đến nguy cơ “bốc hơi” tài sản nhà nước.
Dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao
Đang có nhiều quan ngại về “lỗ hổng” của cơ chế dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước khi xác định giá trị đất để định giá doanh nghiệp phục vụ cho cổ phần hóa (CPH), ông nhìn nhận gì về quan ngại này?
Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp CPH, được coi là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình CPH thời gian qua, vì gây nên nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước.
Để khắc phục tình trạng này, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành đã đưa ra giải pháp.
Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp CPH có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đặc biệt, dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND cấp tỉnh trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến
Nếu doanh nghiệp không xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, hoặc trình một đằng sử dụng một nẻo thì sao, thưa ông?
Nếu doanh nghiệp không xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, thì lãnh đạo doanh nghiệp, lẫn cán bộ có liên đới trách nhiệm ở các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh với tư cách là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ bị xem xét trách nhiệm.
Trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng phương án sử dụng đất và trình cơ quan có thẩm quyền, nhưng cơ quan này chậm phê duyệt, làm chậm quá trình CPH, thì người đứng đầu các bộ, UBND cấp tỉnh cũng bị xem xét trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng.
Dự thảo Nghị định quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thì công ty phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
Ông tin giải pháp trên sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhiều khu “đất vàng” của doanh nghiệp sau CPH đang âm thầm bị các đại gia thâu tóm, dẫn đến nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước?
Quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của quy định hiện hành để tiếp tục nắm giữ, “ôm” toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý của các khu “đất vàng”, theo ông, cần triển khai ra sao để tránh thất thoát tài sản nhà nước?
Việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để CPH nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, theo quy định của pháp luật về đất đai khi Nhà nước định giá đất để cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CPH nói riêng thuê đất, phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường.
Riêng đối với đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong làm mặt bằng sản xuất kinh doanh…, thì giá đất trong bảng giá đất của từng địa phương quy định phải bao gồm yếu tố có khả năng sinh lợi cao, có lợi thế vị trí đất (địa phương phải quy định mức giá đất trong bảng giá đất đối với trường hợp này cao hơn, nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất do Chính phủ quy định).
Khi quyết định giá đất cụ thể để cho thuê đối với đất thương mại, dịch vụ tại đô thị trung tâm thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung… có khả năng sinh lời đặc biệt, có lợi thế trong việc làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, thương mại và dịch vụ, thì doanh nghiệp phải tính và nộp tiền thuê đất cho nhà nước theo đơn giá thuê đất tăng theo tỷ lệ tối đa không quá 3% của giá đất tính thu tiền thuê đất do UBND cấp tỉnh quyết định (Nhà nước thu tiền thuê đất tính trên đơn giá cho thuê cụ thể với mức giá cao hơn giá đất trong bảng giá đất của địa phương quy định đã bao gồm lợi thế vị trí đất).
Như vậy, đất thuê có lợi thế vị trí địa lý thì giá trị lợi thế đã tính ngay vào bảng giá đất và đơn giá thuê đất mà doanh nghiệp phải nộp Nhà nước theo quyết định của địa phương.