Tuy nhiên, đến lúc ‘cơm không lành, canh không ngọt’ dẫn đến ly hôn; khi đó, hai vợ chồng nhờ Tòa án chia tài sản chung thì một bên kém phần tử tế và cho rằng căn nhà đó được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, và chối bỏ việc người vợ/chồng đã bán nhà đất riêng trước khi kết hôn để mua căn nhà đó. Với thực tế như trên, không ít trường hợp bên ngay tình bị thiệt hại về tài sản.
Chị Nguyễn Thị M. cho biết: “Năm 2002, tôi được ba mẹ cho căn nhà tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Tháng 3/2004, tôi kết hôn với anh Lê Văn C.; tháng 11/2004, tôi bán ngôi nhà đó với giá 480 triệu đồng cộng với số tiền mà hai vợ chồng tích góp là 60 triệu đồng để mua căn nhà khác rộng hơn với giá 540 triệu đồng. Đến nay, hai vợ chồng chưa có con, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên quyết định ly hôn; tôi đề nghị với chồng là tự thỏa thuận chia tài sản để không phải tốn tiền án phí, căn nhà hiện ở được mua là dựa vào gần 90% tài sản riêng của tôi, song vì tình nghĩa vợ chồng bao năm qua nên tôi chia cho anh 25%, còn lại 75% của tôi. Tuy nhiên, chồng tôi lại cho rằng căn nhà này là tài sản chung của vợ chồng, giờ chia đôi, giá hiện tại căn nhà này là 3,6 tỉ đồng, nếu tôi muốn ở thì thối lại cho anh ấy 1,8 tỉ đồng; anh ấy hoàn toàn phủ nhận việc trước kia tôi có bán nhà ba mẹ cho để mua căn nhà này. Giờ tôi cũng không biết phải làm sao để chứng minh cho Tòa án biết bản chất thực sự là căn nhà này được mua là do tài sản riêng của tôi trước khi kết hôn chiếm gần 90%”.
Trao đổi với chúng chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ pháp lý như sau:
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Do đó, đối với trường hợp của chị Nguyễn Thị M. thì căn nhà trên không thể chia đôi mà cần phải chia theo phần đóng góp của khối tài sản riêng hình thành trước hôn nhân; như vậy mới bảo đảm phù hợp với thực tiễn, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của chị M.
Thứ hai, trong trường hợp này, nếu hai bên không thỏa thuận được và nhờ Tòa án giải quyết thì chị M. cần phải thu thập chứng cứ để chứng minh số tiền hình thành căn nhà nêu trên chủ yếu dựa vào tài sản riêng của chị M. Một số, thông tin, tài liệu chị M. cần thu thập như: Người làm chứng, nguồn thu nhập (từ lương, hoặc thu nhập khác từ chồng) lúc đó không đáng kể, giấy tờ mà ba mẹ cho căn nhà chị M., hợp đồng bán căn nhà của chị M. (trong đó, có số tiền bán nên đây là thông tin quan trọng để thuyết phục Tòa án…),…
Thứ ba, để tránh trường hợp rắc rối, khó khăn như trên (chị M. phải tự mình thu thập thông tin, tài liệu để chứng minh về việc căn nhà được hình thành chủ yếu là dựa vào tài sản riêng của chị; thực tế, nhiều trường hợp không thể thu thập được chứng cứ để chứng minh nên dẫn đến thiệt hại) thì khi bán tài sản riêng để sử dụng nguồn tiền đó mua nhà đất hay tài sản khác thì vợ chồng cần phải thỏa thuận trước bằng văn bản (khuyến nghị nên được công chứng để hạn chế tranh chấp về sau). Như là, lập văn bản xác định bán tài sản riêng (với số tiền cụ thể) để lấy một phần hoặc toàn bộ (ghi số tiền cụ thể) số tiền này mua nhà đất, hoặc tài sản khác; lập văn bản đồng ý tài sản sau khi mua là thuộc về tài sản riêng của người đã bán tài sản riêng mua tài sản này hoặc ghi tỉ trọng bao nhiêu % thuộc về tài sản riêng của người đã bán tài sản riêng để mua tài sản này,…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: