Những vấn đề liên quan đến thu hồi đất đang được coi là yếu tố gây bất ổn xã hội hàng đầu hiện nay. Những vụ kiện tụng về đất đai cũng chiếm đến 70% và kéo dài. Đâu là bức xúc chính của người dân, và tại sao chúng ta không giải quyết tình trạng này?
Tôi cho rằng sự bất hợp lý đang nằm trong việc thu hồi đất, chủ yếu diễn ra ở những dự án mà đất bị lấy từ người này để giao cho người khác. Người dân dễ so sánh lợi ích khi chuyển giao cho chủ mới. Người này được hưởng lợi nhiều, nhưng bồi thường ít cho người mất đất...
Ta phải thống nhất với nhau một điều: để đất nước phát triển thì không thể không có chuyển dịch đất đai, bắt buộc phải có người nông dân ở chỗ này, chỗ khác bị mất đất để phục vụ công cuộc phát triển, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vấn đề ở chỗ những bức xúc gây khiếu kiện thường nằm ở việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thoả đáng. Từ thiệt thòi quyền lợi, người bị thu hồi đất thường tìm mọi cách để chứng minh về việc thiếu cơ sở pháp lý của quy hoạch, của quyết định thu hồi đất, nhất là họ có thể thuê luật sư trợ giúp pháp lý.
|
GS Đặng Hùng Võ trong buổi đối thoại với người dân Văn Giang ngày 8/11/2012, Ảnh: VnEconomy |
Từ chuyện không bằng lòng với mức bồi thường, kể cả đã thực hiện đúng pháp luật, người dân quay ra phán xét quyết định về quy hoạch, về thu hồi đất, về thủ tục thực hiện, về hiệu quả dự án này kia có đúng không? Đấy là cách người khiếu kiện hay vận dụng.
Một khẩu hiệu rất hay đã hình thành từ thời kỳ bao cấp "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đến nay chắc chắn vẫn rất thời sự, nhưng trên thực tế thực hiện chưa được bao nhiêu. |
Tức là trong tư duy người ta có thể thấy việc thu hồi đất là đúng rồi nhưng thấy mức bồi thường thấp, tái định cư chưa đúng nên người ta mới quay lại xem có sơ hở nào không để khiếu kiện ở đó. Đã làm thì không tránh khỏi sơ suất, chỗ này hay chỗ khác đều có thể bị đem ra coi là trái pháp luật.
Để giải quyết được những bất ổn này, một mặt pháp luật phải thực sự hợp lý và thống nhất, việc thực thi pháp luật phải cẩn thận và đầy đủ, và mặt khác chúng ta phải bỏ công rất nhiều vào vận động để có sự đồng thuận từ phía người dân.
Một khẩu hiệu rất hay đã hình thành từ thời kỳ bao cấp "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", đến nay chắc chắn vẫn rất thời sự, nhưng trên thực tế thực hiện chưa được bao nhiêu. Chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều phải thực hiện thật tốt khẩu hiệu này.
Có ý kiến cho rằng người dân khiếu kiện nhiều nên không thu hồi đất nữa, như thế là thiếu xây dựng. Đất nước không phát triển thì không được. Chính sách bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người đang sử dụng đất, nhà đầu tư dự án và Nhà nước đã được đặt ra từ Luật Đất đai 2003 nhưng chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Luật Đất đai mới cần phải xây dựng cơ chế này sao cho cụ thể và khả thi.
Bức xúc vì thiếu minh bạch
Nhưng người dân có lý khi giá bồi thường 1m2 đất đôi khi 'giá trị chỉ bằng 2 bát phở', đương nhiên họ phải bức xúc, khiếu kiện. Chúng ta không thể 'phát triển' mà phớt lờ quyền lợi chính đáng của người dân.
Theo tôi, những dự án lấy đất vì mục đích kinh tế nên tạo ra những cơ hội thảo luận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất bằng nhiều hình thức, kể cả thuê đất của họ. Nếu doanh nghiệp thuê đất và trả phí bằng lợi nhuận từ nông nghiệp thì tôi chắc người dân sẽ đồng ý vì sinh kế cũ không suy giảm, lao động có thể tạo thu nhập thêm nên sinh kế tăng hơn; hoặc cũng có thể góp vốn để chia sẻ lợi ích từ dự án. Cần phải mở ra nhiều phương thức chuyển dịch đất đai. Điều quan trọng nhất là phải để người nông dân tham gia vào quyết định phát triển, được chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư.
Trong trường hợp dự án Ecopark - Văn Giang, tôi cho rằng đây là một dự án rất tốt, một đô thị xanh trên biên giới với Thủ đô và trên đường cao tốc nối với Thủ đô. Về nguyên tắc, dự án này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp ngay cho các làng bị mất đất nông nghiệp vì giá đất ở sẽ tăng lên ngày càng cao. Quá trình đô thị hóa sẽ đưa ngay nông thôn ở đó vào đô thị.
Ở các nước ngay trong khu vực ASEAN, người ta thường để cho người dân có khoảng 8-10% đất nông nghiệp bị mất được giữ lại là đất phi nông nghiệp trong đô thị mới. Đô thị càng phát triển thì giá đất này càng tăng lên. Trong thời gian chờ đợi, người dân được đảm bảo sinh kế bằng tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc giải quyết việc làm mới. Đây là phương thức "góp đất và điều chỉnh lại đất đai", được áp dụng phổ biến tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, v.v.
Ở ta lại khác, đất được giao cho nhà đầu tư, người mất đất được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giống như trả tiền chuyển nhượng và thế là xong. Cách thức thực hiện như vậy còn nhiều khiếm khuyết, đó là nguyên nhân chính tạo ra những bức xúc của người dân.
|
Cụ ông Nguyễn Ngọc Bính trên diện tích vườn sanh vừa bị cưỡng chế tại Văn Giang. Phía xa là một phần khu đô thị Ecopark - khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Hưng/Vnexpress |
Trong hai vụ việc đất đai ầm ĩ nhất là Tiên Lãng và Văn Giang, ông có thể phân tích sự giống và khác nhau thế nào? Có tìm được điểm chung để giải quyết không?
Hai vụ này khác nhau hoàn toàn. Tiên Lãng là vụ thu hồi đất nông nghiệp đã được giao nay được coi là hết thời hạn để tiếp tục giao cho người khác làm nông nghiệp. Văn Giang là thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang làm dự án đầu tư phi nông nghiệp, làm đô thị. Bản chất hai vụ khác nhau, nên không thể có cách giải quyết giống nhau.
Trong nhiều dự án đất được lấy lại để giao cho doanh nghiệp, trong khi người dân lại không được trực tiếp đàm phán với doanh nghiệp về số tiền bồi thường. Và người dân có lý khi bức xúc và lo lắng việc những quan chức có thể 'đi đêm' với doanh nghiệp để tạo áp lực và gây thiệt thòi cho họ?
Đó chính là một điểm yếu của luật pháp hiện nay. Quá trình thiếu minh bạch. Chúng ta đều biết rằng nhà đầu tư phải bỏ rất nhiều tiền để xây dựng hạ tầng nhưng người dân không biết đó là bao nhiêu. Người bị thu hồi đất chỉ nhìn thấy mình nhận được một triệu đồng một mét vuông nhưng nhà đầu tư lại bán được tới mười triệu đồng, thế là bất bình. Họ không cần biết mười triệu kia không phải là đất không mà còn cộng thêm nhiều khoản đầu tư hạ tầng khác. Không minh bạch đang tạo ra những nhược điểm rất lớn.
Tiếp theo là cơ chế chuyển dịch đất đai chưa hợp lý khiến người nông dân bị đặt ra ngoài dự án đầu tư. Đây chính là điểm vênh đáng kể giữa chính sách hiện nay và chính sách cần hướng tới. Dù người nông dân có đất dịch vụ, nhưng vẫn nằm ngoài dự án. Tất nhiên, đất dịch vụ không thể nằm trong không gian đô thị khép kín của nhà đầu tư nhưng cần nằm trên một phần dự án gắn với đô thị khép kín đó. Chính sách bồi thường, hỗ trợ của ta đúng là chưa đáp ứng được cuộc sống thực tế.
Trong pháp luật hiện hành, không có chuyện người dân bị thu hồi đất được đàm phán với nhà đầu tư về giá đất tính bồi thường, hỗ trợ khi áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Luật Đất đai 2003 yêu cầu cần có ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng chưa đặt yêu cầu về sự đồng thuận.
Đây không phải là giải pháp hay, có thể tạo ra kẽ hở cho tiêu cực và bất ổn. Chính sách đúng đắn để tạo nên bền vững vẫn là bảo đảm minh bạch và tạo sự đồng thuận của người dân trong cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đa dạng và hợp lý.
Tôi hy vọng Luật đất đai mới sắp tới đây sẽ tập trung bổ sung, sửa đổi triệt để những điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nếu ta cứ tiếp tục không coi trọng nguyện vọng, bức xúc của người dân, thì chắc chắn ta vẫn phải đối mặt với những bất ổn kéo dài.
Cơ chế đồng thuận trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất cần được đặt ra cụ thể. Chắn chắn không thể có 100% ý kiến đồng thuận. Nguyên tắc đồng thuận cần xác định dựa trên đa số đồng thuận, trên 50% hay 2/3 hay 70% hay 80% ý kiến đồng ý là cộng đồng đồng thuận, những người không đồng ý cũng phải tuân theo sự đồng thuận của cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: