“Black Swans” (thiên nga đen) là một trong những khái niệm nổi tiếng trên thị trường tài chính. Cuốn sách “The Black Swan” của Nassim Taleb xuất bản năm 2007 đã cung cấp cho nhà đầu tư một góc nhìn khác trên thị trường tài chính. Theo đó, “black swans” dùng để chỉ những sự cố tưởng chừng như không thể xảy ra nhưng lại có thể. Điều này bắt nguồn từ việc đã có thời ai cũng nghĩ thiên nga toàn màu trắng cho đến lúc các nhà thám hiểm khám phá thiên nga đen ở Australia. “Thiên nga đen” là ẩn dụ chỉ những điều không ai nghĩ sẽ xảy ra nhưng vẫn có khả năng xảy ra.
Thực tế, “thiên nga đen” đã nhiều lần xuất hiện trên thị trường tài chính. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trước đó mọi dấu hiệu của kinh tế đều khá tích cực nhưng cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính đã làm cho kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Việc thị trường chứng khoán trên toàn cầu giảm điểm trong mấy ngày qua như một hiện tượng “thiên nga đen”. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh đã kéo theo thị trường châu Âu, châu Á có những phiên giảm điểm mạnh nhất trong hơn 30 năm qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua vốn không “cùng nhịp đập” với chứng khoán thế giới bỗng cũng lao dốc mạnh mẽ. Riêng tính trong 3 phiên gần đây (đến này 06/02), VN-Index đã mất 110 điểm, tức giảm khoảng 10%. Đặc biệt có thời giảm vào phiên giao dịch thứ 3 vừa rồi phần lớn cổ phiếu đều giảm sàn, kéo VN-Index giảm hơn 6%, một mức sụt giảm lịch sử trên thị trường chứng khoán từ trước đến này.
Nguyên nhân của đợt giảm điểm vừa qua cho đến nay vẫn chưa có một thông tin thực sự tiêu cực nào. Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu giảm mạnh từ tuần trước sau khi Bộ Tư pháp và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cho biết Deutsche Bank, UBS và HSBC sẽ cùng nhau trả khoản tiền phạt tổng cộng 46,6 triệu USD để giải quyết các cáo buộc về việc thao túng thị trường kỳ hạn kim loại quý thông qua một quy trình được xem là “giả mạo”.
Một nguyên nhân khác là do gần đây nhiều quốc gia tăng cường siết hoạt động của đồng tiền kỹ thuật số đã làm cho thị trường này giảm mạnh trong vài tuần qua và nó tác động lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, có lẽ thông tin trực tiếp nhất được giải thích khiến cho chứng khoán Mỹ lao dốc là do Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm 2018.
Cùng với sự giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán là tài sản tính trị giá bằng giá thị trường của cổ phiếu nhiều “đại gia đã giảm rất mạnh”. Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup đã mất gần 10.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch thứ 2. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu so với số tài sản của ông tăng trưởng trong thời gian qua. Ước tính riêng tài sản của ông Vượng hiện hơn 5 tỷ USD.
Người giàu thứ 2 trên thị trường chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết với tổng tài sản gần 50.000 tỷ đồng. Tài sản ông Quyết chủ yếu nằm ở 144 triệu cổ phiếu FLC và 318 triệu cổ phiếu ROS mà ông sở hữu. Với việc sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán vừa qua tài sản ông Quyết giảm hơn 4.000 tỷ đồng.
Tài sản của một loạt đại gia khác như bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VJC, HDB, 30.000 tỷ), Trần Đình Long (HPG, 22.0000 tỷ), ông Nguyễn Văn Đạt (PDR – 4.600 tỷ)… cũng đội nón ra đi hàng nghìn tỷ đồng.
Đợt sụt giảm vừa qua của thị trường chứng khoán đã cuốn trôi vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hơn 20 tỷ USD, trong khi gần như không có thông tin tiêu cực thực sự nào trong nước. Hầu hết cổ phiếu đã bị nhà đầu tư bán tháo khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Ngay cả những cổ phiếu không tăng hoặc đã giảm trong thời gian qua vẫn tiếp tục sụt giảm dù kết quả kinh doanh được cải thiện. Phải chăng “thiên nga đen” xuất hiện ở Hà Nội làm cho thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, điều mà không ai có thể dự báo được trước đó vài ngày.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: