Quyết định gây khó hiểu
Khu nhà số 38 Đào Duy Từ đã tồn tại từ rất lâu với nhiều hộ nhỏ lẻ riêng biệt, theo kiến trúc từ xưa, muốn lên được tầng 2 bắt buộc phải đi qua cầu thang và hành lang duy nhất tại đây. Diện tích toàn bộ khu nhà bao gồm căn nhà số 44 Đào Duy Từ và phần sân thượng đang tranh chấp giữa gia đình ông Trực với các hộ dân đã sinh sống nhiều năm nơi đây.
![“Phù phép” quyền sử dụng nhà thành…quyền sử dụng đất](data/source/content_cafeland/images/TINTUC/T3T122011/chung cu.jpg)
.
Theo Công văn số 4774/QLCS ngày 7/8/1996 của Sở Nhà đất thành phố Hà Nội cũng cho thấy, việc bàn giao trên là phù hợp với tinh thần Quyết định số 1166 ngày 10/8/1961 của UBHC thành phố Hà Nội và Thông báo số 418/QLCS ngày 23/9/1993 của Sở Nhà đất. Qua đó cũng có thể thấy rõ, gia đình ông Trực chỉ được bàn giao và chủ sở hữu đối với diện tích nhà ở tại đây với tổng diện tích 66,9 m2, chứ không được giao quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phía Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định trao quyền sử dụng tầng 2 cho gia đình ông Trực, đương nhiên những hộ dân sống tại khu nhà số 38 này sẽ mất đi cầu thang và hành lang chung, hơn nữa họ cũng đang không biết sẽ phải vào nhà của mình như thế nào?
Dân đang kêu cứu
Nhận được Quyết định của Tòa án nhân dân quàn Hoàn Kiếm, những hộ dân sống tại khu nhà số 38 Đào Duy Từ đã làm đơn thư kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng. Thông qua những văn bản còn lưu lại tại Sở Nhà đất về lịch sử của khu nhà, cùng với các biên bản và công văn xác minh quyền sử dụng diện tích nhà của gia đình ông Trực, họ đề nghị trả lại diện tích sân thượng cho những hộ dân sống nơi đây. Theo ông Phòng Sây Vầng hiện đang sống tại tầng 2: “Gia đình tôi đã sinh sống ổn định tại đây đã được hơn 70 năm, toàn bộ diện tích và kiến trúc của khu nhà này đã có từ xưa và được phân cho nhiều hộ. Trước khi gia đình ông Trực được bàn giao tổng diện tích 66,9 m2 ở khu này, các diện tích phụ bao gồm: lối đi chung, cầu thang, sân tầng 2 đã được các hộ tại khu nhà tạm thời chia ra để sử dụng chung từ rất lâu. Bởi vậy, việc gia đình ông Trực chỉ được bàn giao diện tích nhà ở chứ không phải diện tích đất là hoàn toàn hợp lý với bối cảnh và điều kiện sống của những người dân nơi đây”. Cũng theo điều tra của PV, khu nhà số 38 Đào Duy Từ này đã trải qua nhiều nhiều thế hệ gắn liền với thiết kế tại đây. Hơn nữa, trong Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở của những hộ sống ở đây, thông qua phần sơ đồ nhà cũng đã thể hiện đầy đủ cầu thang, hàng lang là lối đi chung của khu nhà. Bởi vậy, việc gia đình ông Trực đang “biến” quyền sử dụng nhà thành…quyền sử dụng đất, độc chiếm toàn bộ khu vực chung của những hộ sống tại đây là bất hợp lý. Hơn nữa, theo biên bản bàn giao nhà ngày 22/5/1996, gia đình ông Trực chỉ được sử dụng một phòng nhỏ 13,6 m2 trên sân thượng, nên những hộ dân sống ở đây đang phản ánh việc gia đình ông Trực đang sử dụng tổng diện tích nhà ở lớn hơn con số 66,9 m2 là bất hợp pháp. Đồng thời cũng mong muốn được các cơ quan chức năng xác minh lại diện tích sử dụng đất của gia đình ông Trực, làm rõ việc gia đình ông Trực có lần chiếm diện tích nhà trên khu vực sân thượng hay không.
![sắp tới những hộ dân ở đây không biết sẽ vào nhà của mình bằng đường nào?](data/source/content_cafeland/images/TINTUC/T3T122011/chung cu 2.jpg)
Quyết định của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đang gây bức xúc cho những hộ dân đã sinh sống lâu đời tại đây qua nhiều thế hệ. Việc sinh hoạt của các hộ dân sống tại đây sẽ ra sao khi quyết định được thực thi ? Liệu những bằng chứng đã đủ sức thuyết phục trong quyết định này hay không? Trên thực tế, những điều bất hợp lý và những điểm rất “mờ” trong quyết định của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã dấy lên những nghi hoặc từ phía dư luận. Hiện những hộ dân sống tại khu nhà 38 Đào Duy Từ đang làm đơn kháng cáo với quyết định trên, dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc và mong muốn thấy được sự công tâm của tòa án.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: