Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển vùng, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH-ÐT), cho biết, trong quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh là động lực phát triển của vùng; đầu mối của hợp tác liên vùng và quốc tế; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của vùng và cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, tạo nhiều giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao. Do vậy, thành phố sẽ tiếp tục được đầu tư lớn để phát triển thành trung tâm của vùng.
Về phát triển hạ tầng, vùng sẽ xây dựng các trục cao tốc: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và đường vành đai 3, đường vành đai 4 trong thành phố. Phát triển giao thông đường sắt cũng là một nội dung quan trọng trong quy hoạch này. Cụ thể, nâng cấp tuyến bắc - nam, trong đó có đoạn TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; xây dựng mới đoạn trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng, xây dựng mới tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu trong giai đoạn 2011- 2015, xây dựng tuyến đường sắt vành đai TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho. Ðể tăng cường khả năng liên kết nhanh giữa thành phố và các vùng lân cận, sẽ xây dựng mới hai tuyến đường sắt nhẹ trong khu vực: Tham Lương - Củ Chi - Mộc Bài (dài 52 km); tuyến Thủ Thiêm - cảng hàng không Long Thành (dài 28 km).
Về đường sông, sẽ cải tạo, nâng cấp các cảng sông chính, xây dựng thêm một số bến khác phục vụ nhu cầu dân sinh, du lịch. Các tuyến đường sông mới là: TP Hồ Chí Minh - Cà Mau (qua kênh Tẻ - kênh Ðôi - Xà No), dài 332 km; TP Hồ Chí Minh - Kiên Lương (Kiên Giang) qua Lấp Vò (Sa Ðéc), dài 320 km; TP Hồ Chí Minh - Hà Tiên (qua Ðồng Tháp Mười), dài 288 km; TP Hồ Chí Minh - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), dài 129 km; TP Hồ Chí Minh - Bến Kéo (Tây Ninh), dài 156 km, theo sông Vàm Cỏ Ðông; TP Hồ Chí Minh - Dầu Tiếng (sông Sài Gòn), dài
127 km; TP Hồ Chí Minh - Hiếu Liêm (sông Ðồng Nai) dài 94 km; tuyến nối Thị Vải (sông Thị Vải), đi đồng bằng sông Cửu Long, dài 55 km. Các cảng sông tại thành phố sẽ gồm ba cảng hàng hóa đạt tổng công suất khoảng 1,5 triệu tấn/năm, cho tàu cập cảng loại 2.000 - 3.000 tấn. Quy hoạch đến năm 2020 bao gồm cả hoàn thành việc di dời một số cảng biển trên sông Sài Gòn ra vị trí mới. Tuy nhiên, cụm cảng thành phố sẽ bao gồm khu cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn), khu cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè - Lòng Tàu, khu cảng Cát Lái (sông Ðồng Nai), khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp). Năng lực thông qua toàn cụm cảng vào năm 2015 đạt 50 đến 60 triệu tấn/năm, năm 2020 đạt khoảng 75 đến 85 triệu tấn/năm.
Còn về vận tải bằng đường hàng không, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được nâng cấp đến năm 2020 đạt công suất 20 triệu khách/năm. Sân bay Long Thành (Ðồng Nai) có năng lực thiết kế đến năm 2020 là 80 đến 100 triệu khách/năm; riêng giai đoạn 2015-2020 quy hoạch xây dựng đạt công suất 20 đến 25 triệu khách/năm.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quy hoạch đến năm 2020 xác định sẽ xây dựng Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao có uy tín quốc tế; và xây dựng Trường đại học Việt - Ðức trở thành đại học xuất sắc. Ðối với phát triển khoa học - công nghệ, theo TS Quang sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư vào Khu công nghệ cao thành phố (SHTP), đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, hoàn chỉnh các khu chức năng của SHTP. Theo TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, trước mắt SHTP phải hoàn thành xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 vào năm 2013, đến năm 2018 cơ bản hoàn thành và đến năm 2020 hoàn chỉnh toàn bộ kết cấu hạ tầng giai đoạn 2. SHTP sẽ tập trung thu hút thêm hai tỷ USD vốn đầu tư nữa (sau 10 năm hoạt động SHTP đã thu hút hơn 2,2 tỷ USD), cố gắng nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sản xuất trong SHTP đạt từ 35 đến 45%, giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 2015-2020 phấn đấu đạt khoảng 20 tỷ USD.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: