(NoithatXHome.vn) Mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị tại chùa Bổ Đà được ghi nhận là bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất thế giới.
Trải qua gần 3 thế kỷ, những nét hoa văn, chữ nổi cùng các hình thù tinh xảo, điêu luyện được khắc tạc trên những tấm gỗ không hề bị mai một mà vẫn còn vẹn nguyên, hiện lên một cách sắc nét.
1. Chùa Bổ Đà: Ngôi chùa cổ ngàn năm
Chùa Bổ Đà nằm bên sườn núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xã Tiên Lát, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, tỉnh Bắc Ninh xưa).
Chùa còn có tên gọi khác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự, nhưng thường được gọi tắt là chùa Bổ.
Tọa lạc bên sườn núi ở phía Bắc sông Cầu, thế đất nơi đây hội tụ đủ sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, Khổng Tử…)
Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, cũng là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng Kinh Bắc, đến nay vẫn còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ với kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, và cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú.
Tương truyền, thuở sơ khai, chùa Bổ Đà được xây dựng trong một khuôn viên khá nhỏ, sau được mở rộng thành gần một trăm gian liên hoàn.
Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2, được phân ra làm ba khu rõ rệt: Khu vườn: (31.000m2), khu nội tự chùa (13.000m2) và khu vườn tháp (rộng: 7.784m2).
Kiến trúc của chùa cũng có sự khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, được thiết kế kiến trúc theo kiểu “nội thông ngoại bế”, không cốt ở sự tráng lệ, nguy nga mà chú trọng đến sự liên hoàn liền mạch, khoáng đạt, hướng tới sự thanh tịnh của cảnh giới nhà Phật.
Đặc biệt, chùa hoàn toàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian như: Gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường.
- Mót Hội An – Quán trà đá đặc biệt và nổi tiếng nhất Phố Hội.
- Homestay trên đảo Bình Hưng đẹp “nức nở” với tầm view 2 trong 1
- Không gian kiến trúc làng Nôm Hưng Yên – ngôi làng cổ 200 năm đẹp như tranh vẽ
Khi đến đây, bất cứ ai cũng bị ấn tượng bởi vườn tháp được xây dựng theo những quy định riêng, rất chặt chẽ của thiền môn, tàng chứa trong 99 ngôi tháp, mộ là xá lị, tro, cốt nhục thân của 1.217 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế khắp nơi trên cả nước.
Nhà sư Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho biết: “Chùa Bổ Đà là 1 trong 2 ngôi chùa ở trấn Kinh Bắc xưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thiền phái Lâm Tế (cùng với chùa Bảo Quang ở huyện Quế Võ – Bắc Ninh).
Chính vì thế, từ nửa đầu thế kỷ 18, nhiều thiền sư, tăng ni của Thiền phái Lâm Tế đã chọn 2 ngôi chùa trên làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng.
Ngày nay vườn tháp ở chùa Bổ Đà vẫn còn nguyên vẹn và trở thành vườn tháp cổ lớn nhất trong các chùa ở Việt Nam”.
2. Mộc bản chùa Bổ Đà: bộ Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới
Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc cổ độc đáo, chùa Bổ Đà ghi lại dấu ấn với bộ ván kinh Phật có niên đại 300 năm – cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị – xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư.
Sở dĩ lựa chọn gỗ thị để khắc kinh bởi đây là loại gỗ dễ kiếm lại ít chịu tác động của mối mọt, thời tiết, không chỉ bền mà còn nhẹ, điều này cũng khiến cho việc cất giữ bảo quản hàng nghìn tấm gỗ đỡ vất vả hơn.
Theo ghi chép lại đến ngày nay, mộc bản chùa Bổ Đà vốn được khởi đục từ những năm đầu thế kỷ 18, số lượng ván khắc còn lưu trữ được là gần 2.000 tấm, gồm nhiều loại văn bản như: Kinh, sớ, điệp, ván lục thù, bùa chú… bước đầu được phân loại thành 18 bộ kinh, sách chính.
Nội dung bộ kinh gỗ này đề cập đến nét đặc trưng của Phật giáo Trung Quốc khi truyền vào Việt Nam đã kết hợp với văn hóa bản địa đã có những sự thay đổi để thích nghi và đề cập vấn đề trọng tâm đó nỗi khổ của con người và sự giải thoát, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau.
Một số nhà nghiên cứu ở Bảo Tàng Bắc Giang cho biết thêm, những ván kinh có khổ lớn ở chùa Bổ Đà còn in, khắc các sớ, điệp dùng vào việc tiến hành các nghi lễ trong nhà chùa hoặc để in áo cho các vị thiền sư, cao tăng.
Cũng theo các tài liệu đã được công bốm Mộc bản chùa Bổ Đà có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740 và muộn nhất vào những năm đầu thế kỷ 20.
Mỗi tấm kệ gỗ dùng để khắc Kinh (được gọi là mộc bản) dài khoảng 50 cm, rộng 25 cm.
Một số bản đặc biệt có chiều dài 150 cm và rộng 30,40 cm.
Nhiều nhà nghiên cứu đã dùng phép liên tưởng phải cần có khoảng đất rộng gần 300m² mới có đủ diện tích để rải các tấm ván kinh ra em đồng loạt toàn bộ kho kinh này để hình dung về sự đồ sộ của bộ Mộc bản chùa Bổ Đà.
Ngoài giá trị vật thể, kho Mộc bản chùa Bổ Đà còn mang giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, đồng thời là kho di sản tư liệu quý giá không chỉ đối với việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, mà còn cả nhiều phương diện lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn học, mỹ thuật, y học…
Vừa qua, bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Hội Kỷ lục gia Việt Nam vừa phối hợp cùng Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) xác lập là Bộ mộc bản Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới.
Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Portfolio để khám phá thêm nhiều kho tàng văn hóa Việt Nam nhé!
237 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn