(NoithatXHome.vn) – Trải qua bao thập kỉ, cấu trúc không gian làng Nôm Hưng Yên vẫn còn nguyên vẹn và đã trở thành không gian nông thôn điển hình, mang đậm dấu ấn văn hoá của người Việt và hoàn toàn phù hợp với nền văn hóa lúa nước, thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp của người nông dân.
Làng Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) – ngôi làng cổ 200 năm tuổi được các nhà nghiên cứu đánh giá là một không gian văn hóa đậm đặc những nét đặc trưng của cộng đồng dân cư làng xã vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng…
Cấu trúc không gian làng Nôm Hưng Yên
Là một ngôi làng cổ nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ với niên đại 200 năm tuổi, làng Nôm Hưng Yên cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử, khảo cổ, kiến trúc… đánh giá là một quần thể kiến trúc cổ thuần Việt với cấu trúc không gian vô cùng độc đáo, hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành hình mẫu về cấu trúc làng xã vùng Kinh Bắc, vùng Đồng Bằng sông Hồng, như một chứng tích lịch sử với bao thăng trầm, biến cố của thời gian.
Theo lý thuyết phong thủy, thế đất làng Nôm Hưng Yên rất đắc địa, là nơi kết tụ được nhiều nguyên khí với Tả Thanh long là con sông Cái bên trái, Hữu Bạch hổ là con đường cao bên phải ngoài làng.
Cụ thể, ở làng Nôm Hưng Yên hiện diện tất cả các yếu tố như: Cổng làng, đình làng, chùa, nhà thờ họ tộc, chợ, giếng nước, cầu, cây đa, đường gạch cổ….
Làng còn sở hữu một không gian cảnh quan lý tưởng khi nằm ở trung tâm – ở giữa là mặt nước, hai bên là các nhà thờ họ tộc quần tụ xung quanh ao làng, hình thành một trục dẫn hướng từ cổng làng tới thẳng trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi họp bàn việc làng việc xã là Đình làng Nôm.
Cổng làng Nôm Hưng Yên
Làng Nôm có hai cổng làng, cổng trước và cổng sau. Cổng trước làng Nôm được xây dựng theo kiểu bát trụ – kiểu cổng mà chỉ những người thuộc hoàng thân quốc thích của vua chúa thời xưa mới được xây.
- Khu nghỉ mát sang trọng mang kiến trúc truyền thống Trung Hoa
- Khám phá nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam
- Khám phá nét độc đáo của nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam (P2)
Theo như người dân làng chia sẻ, cổng được xây dựng vào năm 1855, tức năm Ất Mão.
Sở dĩ cổng làng được xây theo lối kiến trúc này bởi trước kia, trong có hai vị quan lớn là ông Tham Tiếp làm quan trong triều (chức quan Tứ Trụ – Bắc Đậu Bội Tinh) và ông Tạ Văn Đãi – ông Đốc Đãi – thầy của vua Bảo Đại (triều Nguyễn).
Về thiết kế, mặt trước của cổng làn gồm bốn cột: hai cột cái, hai cột quân rên có hai con nghê dáng chồm về phía trước, cột đắp đầu bát lồng đèn, trên là hình phượng, mỗi đỉnh gồm bốn con phượng quay bốn hướng Đông Tây Nam Bắc; mặt sau của cổng còn bốn cột, trên đó đắp hoa sen biểu tượng của sự viên mãn tròn đầy.
Tuy nhiên, không giống với mặt trước có hình phẳng, cổng sau có hình dáng khum lại rất độc đáo. Đặc biệt, trên thân cổng có hai câu đối, hiện tại đã phai mờ do nắng mưa nhưng vẫn còn dấu tích. Nội dung câu đối ghi ghép trong các văn tự của làng là:
Nguyên xuất Đồng Giang lưu vạn mạt
Khí chung Ngất Lĩnh tỏa thiên kha
(Tạm dịch: Nước sông Đồng chảy ra khỏi nguồn thì đầy
Khí thiêng được chung đúc ở ngọn Ngất Lĩnh tỏa về các dòng họ).
Cổng sau của làng Nôm Hưng Yên được xây dựng muộn hơn và mới chỉnh trang lại vào năm 2010 – Canh Dần, thiết kế kiến trúc mô phỏng lại giống cổng trước (kiểu bát trụ) thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của làng.
Đình làng Nôm Hưng Yên
Qua nhiều biến cố lịch sử, đình làng Nôm vẫn còn giữ được nguyên vẹn những nét cổ xưa với thiết kế hình chữ tam, quay mặt ra ao làng, phía trước gồm năm gian đại bái, tiếp sau đó là ba gian chính đường, hai bên có tả vu – hữu vu thông nhau, cuối cùng là phần hậu cung – nơi thờ bài vị của Ngài đức thánh Tam Giang – thành hoàng làng với những thiết kế nội thất đặc trưng.
Hậu cung của đình chỉ mở cửa vào dịp lễ hội làng (được tổ chức từ ngày mồng mười đến mười hai tháng giêng, kết thúc vào trưa ngày mười hai) hoặc lễ tết.
Phía sau đình làng là một gò đất, kết hợp với gò đất ngoài cổng làng (người làng tương truyền đó là gò Con Bống, độ cao thấp hơn gò sau đình), tạo thành thế “tiền án hậu chẩm” ( tức là được che phía trước, có chỗ dựa phía sau) với “minh đường” chính là chiếc ao làng.
Khi bước vào sân đình, bất cứ ai cũng bị ấn tượng bởi hình ảnh hai con rồng đá nằm chầu bên ngoài cửa đình, các nét chạm khắc vô cùng tinh tế và điêu luyện: đầu rồng mọc sừng, thân uốn lượn tựa đang bay trên không trung, mình có vây, chân bốn móng.
Kế sau đó hai con rồng đá là hai Ông Voi chầu có kích thước tương đối với voi thật, phía trước tường và cột trụ bậc lên xuống đều được xây bằng đá xanh rất chắc chắn.
[Còn nữa…]
Trong các tuyến bài sau, chuyên trang Portfolio sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý bạn đọc những nét độc đáo trong kiến trúc không gian của làng Nôm Hưng Yên – một trong những làng việt cổ đẹp nhất ở đồng bằng Bắc Bộ , các bạn quan tâm đón đọc nhé!
1.022 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn