Khó làm gì đó cho KPC Hà Nội
Dẫn nguồn kết quả dự án khảo sát, điều tra, đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội do Viện Bảo tồn Di tích thực hiện, KTS Phạm Tuấn Long - Phó trưởng BQL Phố cổ Hà Nội, cho biết: Số lượng các công trình có giá trị trong KPC giảm đi rất nhanh bởi cấu trúc không gian truyền thống của một số công trình đang bị mất dần; hình dáng thửa đất có xu hướng bị biến dạng; nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc trưng kiến trúc đô thị đang dần mai một do sự thiếu ăn nhập của các công trình được cải tạo, xây mới trong thời gian qua. KPC có vẻ ngoài hấp dẫn nhưng đi sâu vào từng công trình thì nhiều vấn đề. Mật độ dân số lớn nên vào mùa nắng nóng, nhiệt độ ở KPC thường cao hơn bên ngoài. Nhưng việc đưa các giải pháp điều hoà nhiệt độ hay cải tạo khu vệ sinh khép kín rất khó khăn. Mỗi số nhà đều có nhiều chủ, sở hữu đan xen phức tạp nên các hộ dân không thể sửa chữa, chống xuống cấp cho công trình…
Đồng tình với thực tế trên, KTS Lê Bích Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng nhận định: Khó làm gì đó cho KPC Hà Nội.
KTS Sadao Tsuchiya - Trưởng ban điều phối Chương trình House Vision tại Châu Á cũng chia sẻ: 13 năm trước khi nghiên cứu mô hình cải tạo nhà ở cho KPC Hà Nội, chúng tôi không chỉ làm việc với KTS mà với cả người dân và đặt vấn đề bỏ kinh phí cải tạo một số nhà. Trong thời gian cải tạo, các hộ phải chuyển tạm đến nơi khác. Khi đó, các gia đình đều đồng ý, chỉ duy nhất một gia đình không chịu. Lý do, họ không tin chúng tôi bỏ tiền ra cải tạo nhà cho họ, sợ chuyển đi mất nhà. Chúng tôi buộc phải đến Trường ĐH Xây dựng Hà Nội xây dựng mô hình cải tạo nhà ở trong KPC Hà Nội. Do vậy, chúng tôi rất hiểu thay đổi cách nghĩ, cách sống của người dân KPC rất khó, vấn đề nhà ở trong phố cổ rất phức tạp.
Cũng là người dân gốc, sinh sống từ bé tại KPC, nên ông Trần Hoàng Hải - Đội phó đội Thanh tra Xây dựng Q.Hoàn Kiếm - biết rõ tất cả người dân KPC đều muốn cải thiện cuộc sống. Song trong điều kiện, một mái nhà nhiều hộ, một hộ nhiều thế hệ, có gia đình sinh hoạt trên một cái giường…, việc cải thiện điều kiện ở rất khó. Trong công tác quản lý nhà nước tại địa bàn cũng vậy, muốn thực thiện theo quy định, theo luật nhưng quá vướng, thành ra nhiều khi bị cho là lực lượng chức năng… làm ngơ.
Nghiên cứu theo hướng nào?
Tại cuộc họp khởi động dự án House Vision nghiên cứu nhà ở cho KPC Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra các dẫn chứng về việc các vấn đề tồn tại của KPC Hà Nội gần như không thay đổi sau rất nhiều nghiên cứu, dự án thí điểm. Câu hỏi đặt ra là trong dự án House Vision Việt Nam lần này, cần nghiên cứu theo hướng nào cho hiệu quả?
Theo bà Lê Bích Thuận, nên nghiên cứu định hướng về sự biến đổi không gian nhà ở trong KPC sau khoảng bao nhiêu năm sẽ như thế nào? Nghiên cứu định hướng về việc sử dụng công nghệ như thế nào trong không gian biến đổi, đưa thiết bị, VLXD hiện đại vào không gian đấy; nghiên cứu không gian chung, riêng… Tại Hội An việc sản xuất vẫn được duy trì ngay trong phố, còn KPC Hà Nội có nên như Hội An hay phát triển khác đi?
KTS Lê Trương - Tổng giám đốc Cty Tư vấn Kiến trúc xây dựng TT-As đề nghị: Nhà ở trong KPC chủ yếu rộng 2-3m, dài 50m. Công việc của chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất và làm được một mô hình nhà ở phù hợp cho KPC trong tương lai 20 - 30 năm sau…
KTS Nguyễn Hoàng Phương thì cho rằng dù được nghiên cứu nhiều nhưng quan trọng là phải bảo tồn, cải tạo được KPC, kết hợp giãn dân. KTS Phạm Thanh Tùng đồng tình: Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện việc giãn dân phố cổ, đây là điều kiện tốt để bảo tồn phố cổ. Còn theo chuyên gia Nhật Bản, KPC phải giảm được tối đa 5.000 người/ha thì các giải pháp bảo tồn, cải tạo mới hiệu quả.
Sau cùng, các chuyên gia đều cơ bản thống nhất thành lập nhóm nghiên cứu về KPC trong dự án House Vision theo hướng khích thích sáng tạo và là nghiên cứu nền để làm sao cho đời sống người dân KPC Hà Nội sống tốt hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: