(NoithatXHome.vn) Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh vốn nổi tiếng phồn hoa và phát triển nhộn nhịp.
Hình ảnh cuộc sống hiện đại dần thay thế cho những giá trị thủ công xưa cũ. Thế nhưng, ít ai biết rằng giữa thành phố sôi động ấy vẫn tồn tại một số làng nghề truyền thống lâu đời.
Cùng Portfolio khám phá một số làng nghề truyền thống còn xót lại ở Sài Gòn hiện nay trong bài viết này nhé!
Tóm tắt nội dung
Hành trình khám phá các làng nghề truyền thống ở Sài Gòn
1. Làng nghề truyền thống đúc lư đồng An Hội
Làng đúc lư đồng An Hội thuộc quận Gò Vấp, xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và phát triển theo những thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm, cùng với quá trình đô thị hóa của Sài Gòn.
Làng nghề truyền thống An Hội chuyên chế tác các sản phẩm lư đồng, các vật thờ cúng bằng đồng phục vụ đời sống tâm linh của người Việt.
Đúc lư đồng là công việc khá vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì trong mỗi khâu.
Trước hết là làm khuôn (khuôn ruột và khuôn vỏ) là khâu vô cùng quan trọng. Khuôn ruột làm từ đất sét lẫn cát. Loại đất đáp ứng yêu cầu này thường được đặt mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đem nghiền nhuyễn, sàng lọc thành bột rồi được trộn với tro trấu.
Tiếp đến là đúc khuôn sáp từ sáp ong trộn với sáp đèn cầy, công đoạn này đòi hỏi người thợ có tay nghề cao và khéo.
Bởi khuôn sáp chính là hình ảnh của bộ lư đồng khi thành hình sau này. Khuôn sáp sẽ được chuyển cho người thợ khác bọc các lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài, loại đất này nhất định phải thật mịn để sau khi đúc sẽ không bị rỗ.
Sau đó, khuôn sẽ được phơi khô, rồi đổ đồng đã nóng chảy vào bên trong. Việc pha chế đồng trước khi nung chảy cũng đặc biệt công phu và quan trọng. Cuối cùng là khâu trút khỏi khuôn, làm nguội và gia công tỉ mỉ.
Theo các nghệ nhân ở làng nghề truyền thống An Hội, pha chế đồng trong nghề đúc lư không chỉ pha theo công thức mà phải lượng theo kinh nghiệm tay nghề của mỗi người, mỗi xưởng lại có một cách chế khác nhau, tạo ra những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu riêng biệt.
Ngày nay, làng nghề An Hội không còn quy mô lớn như trước nhưng vẫn có xưởng sản xuất của nghệ nhân Hai Thắng, một năm tạo ra được khoảng hơn một nghìn sản phẩm lư đồng thờ cúng, tạo công ăn việc làm cho gần 10 nhân công với thu nhập khá ổn định.
2. Làng nghề truyền thống làm lồng đèn Phú Bình
Tọa lạc trên con đường Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, làng nghề làm lồng đèn Phú Bình có nguồn gốc từ làng nghề ở Bác Cổ và Báo Đáp nổi tiếng (tỉnh Nam Định).
Làng nghề truyền thống Phú Bình có lịch sử hình thành từ lâu đời hơn 50 năm tuổi gắn liền với các giá trị văn hóa- lịch sử của dân tộc. Nơi đây mang đậm nét truyền thống cổ xưa, lưu truyền lại những nét tinh túy nhất của chiếc lồng đèn giấy kiến xưa do thế hệ cha ông ta truyền lại.
Những chiếc lồng đèn giấy kính truyền thống thương hiệu Phú Bình đủ màu sắc, hình thù như: ông sao, thiên nga, rồng, phượng hoàng, con gà, con bướm, con cá, tàu thủy,…đã góp phần điểm tô cho bức tranh đẹp ngày Tết Trung thu thêm phần ý nghĩa, đem đến nhiều niềm vui cho bao thế hệ thiếu nhi phá cỗ đêm rằm.
Cứ sau Tết Nguyên Đán, các hộ làm lồng đèn đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị các nguyên liệu như: lồ ô, tre để chẻ nan tạo khung, kẽm, giấy kính, bột màu…Một chiếc lồng đèn truyền thống với kích thước lớn nhỏ, thiết kế đơn giản hay cầu kỳ đều được các nghệ nhân và người phụ việc chuẩn bị trong thời gian dài.
Vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề (những năm 1970 đến 1990), mỗi gia đình có thể làm hàng ngàn chiếc đèn lồng với đủ kiểu dáng, mẫu mã khác nhau và cứ mỗi độ thu về, người già, người trẻ trong làng không kể ngày đêm tất bật làm đèn để kịp đi giao.
Ngày nay, những chiếc lồng đèn bằng nhựa, điện tử xuất hiện, làng nghề truyền thống Phú Bình không còn phát triển thịnh vượng với quy mô lớn như xưa.
Nhưng giữa một đô thị tấp nập, vẫn còn đó những người thợ vẫn miệt mài vót từng thanh tre, quấn từng cọng kẽm, dán từng miếng giấy kiếng..
Họ vẫn hi vọng giữ gìn được những chiếc lồng đèn truyền thống, xinh xắn đủ sắc màu, hình dáng mang trọn cái hồn quê hương dành cho con cháu Việt đến muôn đời.
3. Làng nghề truyền thống dệt vải Bảy Hiền
Làng dệt vải Bảy Hiền thuộc quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh), từng là một trong những làng nghề nức tiếng Sài Gòn. tiêu biểu là các con đường Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng, Tái Thiết,…dường như nhà nào cũng làm nghề dệt là chính.
Vốn có lịch sử hình thành lâu đời, tồn tại và phát triển gần 4 thế kỷ qua, làng dệt Bảy Hiền do người Quảng Nam di cư vào đất phía Nam làm ăn rồi kết hợp lại với nhau, tạo thành một khu công nghiệp dệt tồn tại cho đến ngày nay.
Làng nghề truyền thống dệt vải Bảy Hiền vào thời hưng thịnh từng có sức cạnh tranh rất mạnh so với vải của người Hoa ở Chợ Lớn.
Trong khoảng thời gian hưng thịnh, làng dệt Bảy Hiền cung cấp vải nhiều nhất cho các tiểu thương ở quận Tân Bình, quận 5 và cả thị trường nước ngoài. Thời điểm đó có đến hơn 4.000 người lao động, và sản lương đạt hàng triệu mét vải mỗi năm.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2000, làng dệt Bảy Hiền bị hàng quốc tế lấn át cả về giá thành lẫn mẫu mã, nhất là thị trường Trung Quốc. Dù vậy, một số nghệ nhân yêu nghề vẫn quyết giữ lửa làng nghề truyền thống bằng cách sản xuất nhỏ lẻ.
Làng nghề dệt vải Bảy Hiền một thời chuyên cung cấp vải đi khắp cả nước, mang lại uy tín thương hiệu và chất lượng cho người dân Sài Gòn. Dù có mai một trước sự phát triển của thị trường mới thì đây vẫn mãi là một trong những giá trị văn hóa thủ công truyền thống cần được tôn vinh và bảo tồn.
Qua bài viết về các làng nghề truyền thống còn xót lại ở Sài Gòn, hy vọng sẽ giúp quý độc giả có cái nhìn rõ nét và chân thực hơn về một thời phát triển thủ công tại đây. Từ đó, thêm tự hào về bề dày văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của dân tộc và cả kinh nghiệm thiết kế nội thất nhà đẹp, đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của chuyên trang gotrangtri.vn nhé!
Thu Hà – Tổng hợp internet
6.780 6
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn