Ai cũng kêu khổ
Phản ánh đến NoiThatXhome.vn, ông P.N. L - cư dân thuộc dự án chung cư Palm Height (số 2 đường số 4, phường An Phú, Thành phố Thủ Đức) cho biết, mặc dù đã nhận nhà từ cuối năm 2019 nhưng tới nay chủ đầu tư vẫn chưa cấp sổ hồng cho cư dân.
Cụ thể, ông L cho biết, dự án Palm Height do chủ đầu tư là Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (Liên doanh giữa Công ty TNHH Keppel Land với Tiến Phước và Trần Thái) làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 3 khối tháp chung cư cao 35 tầng với 816 căn hộ và các công trình khác như nhà giữ trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng…
Một góc dự án Palm Height
Dự án Palm Height đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở bắt đầu tư tháng 11/2019. Tuy nhiên, cho đến nay các căn hộ thuộc dự án chưa được cung cấp sổ hồng khiến ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cư dân.
Theo ông L, giữa ông và chủ đầu tư Nam Rạch Chiếc đã có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp và qua công văn để làm rõ lý do vì sao dự án bị chậm sổ hồng. Tuy nhiên cả hai đến nay không tìm được tiếng nói chung.
Ông L yêu cầu chủ đầu tư cung cấp những thông tin như: Hồ sơ pháp lý của dự án, minh bạch về tình trạng sổ hồng lô đất xây dựng và nghĩa vụ xây dựng trường học bên trong dự án, minh bạch về công ty thực hiện công việc đo đạc căn hộ dự án… nhưng không được chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ.
Vì sao chậm sổ hồng?
Theo Điều 26 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện thực hiện.
Theo Nghị định 91/2019/NĐ – CP, nếu chủ đầu tư chậm trễ việc cấp sổ hồng sẽ bị xử phạt theo nhiều mức. Cụ thể, chậm bàn giao sổ cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; chậm từ 6 đến 9 tháng bị phạt tiền từ 30 triệu đến 300 triệu đồng; từ 9 tháng đến 12 tháng bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng; từ 1 năm trở lên bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng.
Tình trạng chậm sổ hồng diễn ra phổ biến ở nhiều chung cư hiện nay
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, thông thường nguyên nhân khiến tình trạng chậm cấp sổ hồng kéo dài là do chủ đầu tư dính sai phạm về pháp lý dự án, xây dựng không phép, sai phép, tự ý chuyển đổi chức năng… hay chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ngân hàng… Đây là trường hợp lỗi thuộc về chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp lỗi không hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư vì có khi hồ sơ đã nộp nhưng bị “ngâm” ở các cơ quan chức năng do những chồng chéo về thủ tục pháp lý, những trường hợp thay đổi chính sách, khung giá đất, pháp lý quy định về đóng tiền sử dụng đất…
Ghi nhận thực tế, tình trạng “ách tắc” sổ hồng đang là vấn đề chung của nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản hiện nay.
Tháng 9/2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết có 53 dự án của 12 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang bị chậm cấp sổ hồng cho cư dân với gần 30.000 căn hộ.
Trong đó có, 25.631 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) và 2.693 căn hộ officetel. Số liệu này nằm trong tổng số 490 dự án nhà ở được phê duyệt trong các năm 2015-2019, chưa bao gồm các dự án đã triển khai trước năm 2015.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, tiền sử dụng đất đang là “điểm nghẽn” lớn trong việc cấp sổ hồng, thậm chí không ít chủ đầu tư muốn nộp sớm khoản tiền này cũng không được. Việc “tắc tiền sử dụng đất” dẫn đến “tắc sổ hồng” cho người mua nhà khiến nhiều chủ đầu tư mang tiếng “bội tín” với khách hàng.
Theo chủ tịch HoREA có hai vấn đề cần tách bạch để xử lý phù hợp. Thứ nhất, người mua nhà là bên nắm giữ phần "có lý" và vô can trong hợp đồng. Nếu họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, thì phải được “ưu tiên” giải quyết cấp “sổ hồng” trước.
Thứ hai, về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có giải pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: