Một gói hỗ trợ kinh tế mới đang được tính toán xây dựng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang đối mặt rất nhiều khó khăn sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Gói hỗ trợ lần 2 cần được ban hành sớm.
Trong bối cảnh việc thực hiện các gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ nhất còn nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu, thì việc Chính phủ xây dựng gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ hai không chỉ cần các hỗ trợ đột phá, mạnh mẽ, mà còn phải thực sự ưu tiên việc thực thi chính sách.
Theo thông tin mới đây, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã dự báo có khoảng 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19 và sẽ có khoảng tới 3,5 đến 5 triệu người giảm việc làm vì COVID-19.
Đáng chú ý, các dự báo mới đây cho rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở khoảng 2%; thậm chí đã có dự báo tăng trưởng âm. Với Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 5% mới đủ bảo đảm việc làm. Dưới mức này, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp, mất việc tăng lên sẽ kéo theo nhiều áp lực.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng cứu trợ kinh tế lần 2 phải có quy mô đủ lớn thì mới có thể phát huy được hiệu quả.
“Gói cứu trợ kinh tế lần 1 chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Để nền kinh tế nhanh chóng được phục hồi sau đại dịch thì một gói cứu trợ kinh tế lần 2 phải là gói có quy mô từ 3 đến 5% GDP”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Cung, để xây dựng gói hỗ trợ nền kinh tế lần hai, bên cạnh phải đánh giá lại việc thực hiện cũng như đề xuất kéo dài gói hỗ trợ thứ nhất, cần phải đánh giá lại kinh tế 2020, là năm nguồn thu ít, chi nhiều, bội chi lớn và sẽ vượt chỉ tiêu... sau đó mới tính đến chuyện nếu hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ miễn, giảm... như thế nào.
“Để gói cứu trợ kinh tế lần này thành công, tôi cũng tin chắc chắn lần hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở hoãn, giãn các nghĩa vụ mà còn phải có miễn, giảm, và điều này chắc chắn sẽ gây ra bội chi ngân sách lớn”, ông Cung nói.
Vì vậy, có hai cách, một là phải tính toán được tổng mức hỗ trợ cho nền kinh tế là bao nhiêu và từ đó cân đối để đưa ra mức bội chi ngân sách phù hợp. Hai là, xác định tỷ lệ bội chi cho phép, từ đó đưa ra mức hỗ trợ. Sau khi xác định được mức hỗ trợ, xác định rõ đối tượng được hỗ trợ cụ thể là ai, mức hỗ trợ là bao nhiêu, không được hỗ trợ ào ào, cào bằng. Cách thứ hai phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Cung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Cung cũng thừa nhận bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, chúng ta phải nghĩ rằng trong nguy có cơ, phải chớp lấy thời cơ để phục hồi nền kinh tế, từ đó để có gói hỗ trợ toàn diện hơn, lớn hơn, có cái nhìn dài hơi hơn, ít nhất là 3-4 năm.
“Ngành nghề du lịch, khách sạn hiện nếu có hỗ trợ thì cũng không phát triển ngay được, bởi cầu chưa lên được. Thay vào đó, chúng ta hỗ trợ bằng cách ưu tiên, ưu đãi cho những ngành nghề mới xuất hiện, ngành nghề được lợi hoặc có lợi thế trong COVID-19, ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp, những ngành, doanh nghiệp không chịu tác động của dịch bệnh nhưng lại có tương lai phát triển trong thời gian tới với thông điệp hỗ trợ người thắng cuộc, có tiềm năng phát triển, không hỗ trợ người thua cuộc”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: