Nhiều doanh nghiệp đang đối diện nhiều khó khăn, mong muốn chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong cuộc họp của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16-9, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân khó khăn do dịch COVID-19 trước ngày 1-10.
Vốn rẻ, phải chờ chính sách
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Viết Ngoạn - nguyên chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - đánh giá mức độ Việt Nam hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua cho thấy Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng.
Tuy nhiên, các giải pháp vẫn còn rất hạn chế. Trong đó, các giải pháp hỗ trợ không nên chỉ là miễn, giảm, gia hạn thuế mà còn cả giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ hơn.
Giảm lãi suất bằng cách nào? Theo ông Ngoạn, bù lãi suất như năm 2009 là không nên vì triển khai rất phức tạp, gây rủi ro.
Để giảm lãi suất đầu ra phải giảm được lãi suất đầu vào. Nghĩa là ngân hàng (NH) thương mại phải huy động vốn với lãi suất thấp thì mới giảm được lãi vay.
Nguồn vốn mà hệ thống NH đang huy động từ dân cư, DN có thể giảm được một chút nhưng không nhiều. Do đó, chỉ còn một cách là NH Nhà nước giảm điều kiện ràng buộc làm tăng chi phí giá thành tiền tệ như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc.
Mặt khác, NH Nhà nước có thể bơm thêm tiền để các NH thương mại huy động được nguồn tiền với lãi suất rẻ. Đây là cách mà hầu hết các nước từ Anh, Mỹ... đều áp dụng để hỗ trợ DN, khôi phục tái thiết nền kinh tế sau khi bị tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
"NH Nhà nước nên tính toán bám sát các điều kiện về kinh tế vĩ mô, vấn đề lạm phát khi áp dụng giải pháp bơm tiền với lãi suất rẻ cho NH thương mại vay.
Thứ hai, nguồn vốn với lãi suất thấp đầu ra liệu có chảy vào bất động sản, chứng khoán để gây bong bóng tài sản ở hai thị trường này hay không? Nếu điều này xảy ra, nghĩa là vốn không vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thì sẽ gây bất cập cho nền kinh tế" - ông Ngoạn khuyến cáo.
Để hỗ trợ hiệu quả cho DN, phục hồi nền kinh tế, ông Ngoạn cho rằng nguồn vốn có lãi suất thấp phải được giải ngân đúng địa chỉ: tập trung cho vay lãi suất thấp và hạ lãi suất cho vay với những DN có thị trường, đầu ra sản phẩm tốt.
Còn với những DN dù có khó khăn về tài chính nhưng chưa tìm được đầu ra, đứt gãy chuỗi cung ứng thì nên dùng chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế, phí.
Chỉ giảm thuế GTGT cho ngành khó phục hồi trong quý 4?
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ giảm thuế GTGT trong quý 4 với một số ngành nghề. Theo đó DN, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.
Tương tự DN, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu cũng được giảm 30% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.
Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, những ngành nghề mà Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế GTGT trong quý 4 hầu hết là những ngành nghề bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch và gần như không có cơ hội phục hồi trong quý 4.
Cụ thể như: vận tải, dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản, điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch, thể thao, vui chơi và giải trí...
"Những hoạt động này hầu như chỉ có thể phát triển khi trở lại tình trạng bình thường mới và cho phép tụ tập đông người. Còn với tình hình như hiện nay chắc chắn trong quý 4 TP.HCM sẽ rất khó để mở cửa lại như trước đợt dịch thứ 4.
Do vậy dù có cố gắng xoay trở thì doanh thu của những ngành trên sẽ rất thấp, do vậy số thuế GTGT phát sinh cũng sẽ rất thấp. Dẫn đến số thuế GTGT thực tế được giảm không nhiều như dự báo" - ông Xoa nói.
Về phương pháp tính thuế GTGT, chỉ những tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi áp dụng giảm thuế GTGT người tiêu dùng mới được hưởng lợi vì được giảm trực tiếp trên hóa đơn.
Còn với DN, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu thì thực chất người tiêu dùng không được lợi trừ khi DN trừ trực tiếp vào giá bán và điều này rất khó xảy ra. Do vậy, gần như người tiêu dùng không được lợi.
Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho rằng Bộ Tài chính nên trình Chính phủ giảm thuế GTGT cho các hàng hóa dịch vụ vì giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, tức là người dân sẽ được mua hàng hóa dịch vụ với mức giá thấp hơn.
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh bão giá các sản phẩm hàng hóa như hiện nay do chuỗi cung ứng bị đứt gãy và thu nhập của người dân giảm sút nghiêm trọng...
Bên cạnh đó, khi giảm thuế, giá bán giảm sẽ kích cầu, hỗ trợ khâu sản xuất, lưu thông. Mức giảm thuế GTGT cũng cần được xem xét tăng hơn so với mức 30% và đối tượng được giảm thuế GTGT cần được mở rộng cho hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, hàng thiết yếu bên cạnh những hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực ngành nghề ảnh hưởng của COVID-19 như kế hoạch đề ra.
Về giảm thuế thu nhập DN cũng cần nâng tỉ lệ giảm từ 30% lên 50%. Cần khoan thư sức dân, đủ để hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh từng bước phát triển, từ đó đóng góp vào ngân sách.
Ông Trần Duy Hào (CEO StarGlobal 3D): Khó, vẫn nhắc nộp bảo hiểm xã hội Dù đã có gói hỗ trợ, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà. Việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng cũng còn nhiêu khê. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng chúng ta là nước đang phát triển, nên không mong cầu việc đao to búa lớn như cho một cục tiền, mà chỉ cần được cho mượn tiền với lãi suất thấp là biết ơn lắm rồi. Nhưng giữa lúc khó khăn, doanh nghiệp còn bị đối xử chưa tốt. Với các startup chuyên về khoa học công nghệ, dịch đến làm dòng tiền bị ảnh hưởng. Có lúc chưa kịp xoay xở tiền đóng bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp đã bị làm phiền từ tin nhắn đến gọi điện, gửi email, bị phong tỏa tài khoản. Chúng tôi số hóa không gian cho các bảo tàng, nhà máy, cửa hàng lên nền tảng online theo hợp đồng. Nhưng khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, các nhân sự trong công ty lại không được cấp giấy đi đường vì không thiết yếu. Chúng tôi không được tới các địa điểm này để đặt máy quét hình ảnh. Việc này khiến các dự án của chúng tôi bị trì trệ, các nhà đầu tư ngưng giải ngân rót vốn, và cả khách hàng cũng bị chậm trễ chuyển đổi số - việc làm thiết yếu để khách hàng có thể cứu mình vượt qua đại dịch. BÔNG MAI |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: