Trong khi chính quyền TP HCM còn đang loay hoay ban hành một quy chế bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị thì nhiều biệt thự trên địa bàn TP đã bị tháo dỡ hay được chủ sở hữu tự định đoạt số phận của nó! Nhiều ý kiến cho rằng để không rơi vào tình cảnh “chuyện đã rồi”, UBND TP phải nhanh chóng ban hành quy chế quản lý để làm căn cứ bảo tồn hay cho phá bỏ biệt thự cũ.
Muốn tháo dỡ phải xin phép
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết cơ quan này không đề xuất tháo dỡ các biệt thự cũ mà chỉ đề đạt ý kiến người dân lên UBND TP xem xét. Theo ông Nhã, các hồ sơ này không phải nộp một lần mà rải rác từ khoảng giữa năm 2014 đến nay. Hồ sơ nào người dân gửi đến, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng thẩm định và xin ý kiến UBND TP. Đến nay, tổng cộng có 13 hồ sơ.
Ông Nhã cho rằng các biệt thự này tuy không thuộc sở hữu nhà nước và không nằm trong danh mục các công trình nghiên cứu, bảo tồn cảnh quan kiến trúc nhưng theo quy định, nhà thuộc dạng biệt thự muốn thay đổi hiện trạng, kết cấu đều phải do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định và được sự cho phép của UBND TP! “Hầu hết các công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, kiến trúc cũng thay đổi, nhiều biệt thự có dấu hiệu chia cắt hay bị lấn chiếm nên chủ sở hữu có nhu cầu sửa chữa hoặc tháo dỡ xây mới” - ông Nhã nhận định.
Theo ông Đỗ Minh Long, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 3, người dân có nhu cầu sửa chữa nộp đơn cho quận nhưng quận không có thẩm quyền nên phải trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Quận cũng chỉ quản lý về hiện trạng mặt bằng, không nắm rõ nguồn gốc, kiến trúc nhà. Riêng về 2 biệt thự đã tháo dỡ mà Báo Người Lao Động nêu, ông Long cho biết quận không nắm thông tin vì trách nhiệm quản lý là của UBND các phường! Song, chính ông Long lại khẳng định quận không cho phép tháo dỡ các biệt thự vì “phải chờ ý kiến của UBND TP”. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã thừa nhận tại thời điểm quận 3 trình đề xuất, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã khảo sát và xác nhận 2 biệt thự số 6 Nguyễn Thông có quy mô 1 tầng và số 458 Nguyễn Thị Minh Khai có quy mô 2 tầng. “Trong khi chờ ý kiến của UBND TP, chủ sở hữu có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng và địa phương giám sát. Để các chủ biệt thự tự ý tháo dỡ là trách nhiệm của địa phương” - ông Nhã khẳng định.
Cần cân nhắc lợi ích
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, trường hợp UBND TP có văn bản chấp thuận cho sửa chữa hay tháo dỡ xây mới, sở sẽ cho chủ đầu tư các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc mới phù hợp và hài hòa với khu vực. Theo ông Nhã, ngoài các biệt thự đã gửi hồ sơ, trên địa bàn TP cũng còn khá nhiều biệt thự đã xuống cấp, người dân có nhu cầu xây dựng lại và rất bức xúc về chỗ ở. Hiện tại, TP HCM đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển đề xuất thành lập Hội đồng Phân loại biệt thự để xem xét biệt thự nào không có giá trị về bảo tồn thì sẽ cho phép tháo dỡ để xây công trình mới.
Theo TS-KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP, quyết định bảo tồn một ngôi biệt thự không chỉ căn cứ vào hình thức bên ngoài mà phải xem xét nhiều yếu tố như giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật kiến trúc, vai trò đối với cảnh quan và môi trường khu vực (biệt thự giúp giảm mật độ xây dựng, tăng mảng xanh)… để so sánh, cân đối lợi ích khi thực hiện bảo tồn hay phá bỏ xây mới. Ông Cương lưu ý bảo tồn một công trình cũng mang lại lợi ích kinh tế, thậm chí rất lớn, ví dụ như tăng tính hấp dẫn của TP về đầu tư, du lịch... Mỗi công trình cổ tồn tại đến ngày nay đều rất quý, nhất là những công trình gắn liền với ký ức lịch sử của nhiều người, khi đập bỏ sẽ không bao giờ có lại nữa. Do đó, đối đế lắm mới phải đập bỏ, khi quyết định đập bỏ phải rất thận trọng, thu thập đầy đủ thông tin về công trình đó. “Đất trống bên Thủ Thiêm, Thủ Đức... còn nhiều, giữ lại được càng nhiều công trình biệt thự cũ chừng nào thì môi trường sinh thái và tính hấp dẫn của TP HCM càng cao chừng nấy” - ông Cương khuyến nghị.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: