“Bể” quy hoạch?
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm, lượng xi măng tiêu thụ trên cả nước tăng vọt. Cụ thể, tồn kho xi măng cả nước tháng 3 giảm đến 96,96% so với tháng 2, xi măng tiêu thụ tháng 4 đã đạt 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng đạt 21,05 triệu tấn, bằng 120,3% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 34% kế hoạch năm 2014. Riêng tại thị trường nội địa, tiêu thụ đạt 107,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tồn kho cả nước tháng 4 là 2,59 triệu tấn, chủ yếu là clanke, cũng chỉ nằm ở mức 12 ngày sản xuất. Đây là số sản phẩm luân chuyển bắt buộc trong sản xuất.
Theo quy hoạch phát triển ngành xi măng, giai đoạn 2012-2015 sẽ có 24 dự án xi măng đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 24,76 triệu tấn xi măng/năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, phần lớn các dự án trên đều chậm tiến độ, chỉ có khoảng 8 dự án có thể cán đích với việc hoàn thành phần xây dựng với công suất khoảng 10,88 triệu tấn, còn lại 16 dự án không thể hoàn thành.
Như vậy, mục tiêu đến năm 2015 cả nước sẽ có 91 dự án xi măng vận hành với tổng công suất 94,2 triệu tấn như quy hoạch đã được phê duyệt có thể coi đã “bể”, bởi sau khi rà soát và điều chỉnh, số dự án khả thi đi vào vận hành vào năm 2015 chỉ còn 76 dự án với tổng công suất 82,6 triệu tấn, giảm 11,6 triệu tấn.
Chưa kể đầu năm 2014, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi quy hoạch, năm 2015 sẽ không có dự án mới nào được đưa vào hoạt động và Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để báo cáo Thủ tướng xem xét đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án xi măng không đủ điều kiện đầu tư theo kế hoạch 2016-2020 và giãn tiến độ một số dự án.
Trên thực tế, khủng hoảng thừa ngành xi măng do đầu tư dàn trải, không theo quy hoạch đã được đưa ra như 1 mối nguy cho ngành này từ nhiều năm trước. Năm 2010 thừa 3 triệu tấn, năm 2012 là 6 triệu tấn và dự đoán đến năm 2020 sẽ lên đến 30 triệu tấn.
Cộng với việc hàng loạt doanh nghiệp lớn làm ăn thua lỗ, ì trệ phải cầu cứu Nhà nước trả nợ thay đã khiến Bộ Xây dựng mạnh tay thanh lọc các dự án xi măng không hiệu quả. Trong bối cảnh quy hoạch ngành xi măng được đánh giá là khá sát so với nhu cầu phát triển, việc tốc độ tiêu thụ ngày càng tăng nhưng số dự án lại giảm, sản lượng sản xuất giảm đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về nguy cơ thiếu xi măng trong vài năm tới.
Nhưng không lo thiếu
Theo các chuyên gia BĐS, vì có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường BĐS nên khi BĐS ấm lên, lượng vật liệu xây dựng (VLXD) trong đó có xi măng tiêu thụ tăng vọt là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, khó có thể xảy ra tình trạng thiếu, bởi dù lượng xi măng sản xuất có giảm xuống còn 82,6 triệu tấn vẫn theo quy hoạch, nhu cầu xi măng tiêu thụ cũng chỉ dừng ở mức 75-76 triệu tấn, thậm chí theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, mức tiêu thụ thực tế chỉ đạt khoảng 70 triệu tấn, xấp xỉ 85% công suất.
Cũng theo ông Tới, nếu nhu cầu trong nước tăng cao trở lại, một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước, bởi đây mới là thị trường chính của các doanh nghiệp. Mặt khác, trong trường hợp thị trường tốt lên, có thể những dự án đã được giãn tiến độ sẽ được phép triển khai lại để bù vào nguồn cung thiếu hụt trong tương lai. Bên cạnh đó, một số chyên gia cũng cho rằng, một số nhà máy xi măng cần có thời gian để hồi phục, bởi trong giai đoạn vừa qua, không ít nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí chỉ đạt 40-50% công suất. Khi các nhà máy này hoạt động trở lại với 100% công suất, sản lượng xi măng sẽ theo đó tăng lên.
Nếu không cẩn thận, ngành sản xuất xi măng có thể đối mặt nguy cơ hụt cung.
Theo TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, sau khủng hoảng bao giờ cũng đến thời kỳ thái lai, tức là sau khó khăn sẽ đến thời kỳ kinh tế phát triển lên và ngành xi măng có thể coi là sắp bước vào giai đoạn này. Chính vì vậy, sẽ có những lo ngại về việc thiếu xi măng sau một thời gian dài các nhà máy xi măng lao đao, thậm chí đình hoãn sản xuất vì thiếu vốn. Nhưng trong ngắn hạn, điều này khó xảy ra.
Tuy nhiên, ông Huynh cũng cho rằng đầu tư nhà máy xi măng phải mất vài ba năm, chính vì vậy, cần phải có những biện pháp giữ được tiến độ xây dựng các nhà máy xi măng, bởi khi kinh tế phát triển rồi mới bắt đầu đầu tư xây dựng sẽ không kịp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: