Nơi đây sẽ là nhà hát trong tương lai (nhìn từ phía đường Lê Lai, quận 1). Ảnh: Tuấn Vương
Công trình Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch được xây dựng trong công viên 23/9, giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, tọa lạc tại trung tâm quận 1, khu vực được mệnh danh là vị trí vàng của TPHCM. Nhà hát sẽ được thiết kế với 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ, hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành. Dự kiến cuối năm 2015, công trình được đưa vào sử dụng |
Theo tính toán, nếu xây một nhà hát tại Công viên 23/9 cùng các công trình kỹ thuật, phụ trợ… thì đã “ngốn” hết khoảng 2ha mảng xanh. Đó là chưa kể các công trình ngầm, trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ khác sẽ mọc thêm ở đây trong tương lai. Hệ lụy là, không những người dân thành phố mất đi những khoảng xanh quý giá mà sẽ rất “phản cảm” trong con mắt người dân và doanh nghiệp khi kêu gọi họ đầu tư vào mảng xanh trong tương lai.
Theo nhận xét của giới khoa học, xã hội học, việc xây nhà hát trong Công viên 23/9, giống như đập vỡ một lọ thủy tinh để xây một cái gì khác. Sau này, nếu có tiền thì sẽ đi mua cái lọ… thủy tinh khác. Nó không khác gì việc xài sang và sẽ rất khó khắc phục hậu quả.
Cần cân nhắc...
Theo TS. KTS Nguyễn Thanh Hà (Trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ, ĐH Kiến trúc TPHCM), ý tưởng đặt nhà hát tại Công viên 23/9 là được. Tuy nhiên, thiết kế nhà hát nên phù hợp với quy mô, hình dáng của công viên. Hai con đường bên hông nhà hát (trong tương lai), hiện là nhà liên kề của người dân, không có giá trị kiến trúc gì đặc sắc nên thành phố cũng cần nghiên cứu, giải tỏa và thiết kế lại các công trình mới trên hai con đường này để “xứng tầm” với một nhà hát hiện đại trong tương lai.
Còn TS Nguyễn Minh Hoa (Trưởng khoa đô thị học, ĐH Kinh tế TPHCM) lại phản bác ý tưởng xây nhà hát tại đây. Ông Hoa nhấn mạnh: “Ngoài việc phải nghiêm túc xem xét những đánh giá về tác động môi trường, thành phố cũng phải coi những vấn đề tác động về kinh tế và xã hội khi “đẻ” ra một nhà hát tại đây”.
Theo ông Hoa, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch là một tổ hợp đa chức năng. Tuy nhiên nơi đây cũng là điểm nối kết của 2 ga xe điện ngầm Bến Thành-Suối Tiên và ga ở chợ Nguyễn Thái Bình; bãi đậu xe ngầm, bến xe buýt. Còn với người dân TPHCM, nơi đây thường được gọi là “ngã tư quốc tế” với mật độ dân cư rất cao, xe cộ đông đúc… Tất cả những thứ đó “tụ” lại, đây sẽ là nơi ô nhiễm tiếng ồn rất đậm đặc. Ông Hoa nói: “Thử nghĩ, nếu xây nhà hát thì phải thiết kế hệ thống cách âm tốn kém như thế nào để “thải” hết những tiếng ồn đó khi vào thưởng thức âm nhạc. Với quy hoạch như vậy, đó cũng sẽ là nơi tập kết của đủ các loại phương tiện, nên các khảo sát khoa học về những giải pháp giao thông sẽ là cơ sở không thể thiếu để xây nhà hát”.
TS Nguyễn Minh Hoa cũng đồng tình với TS.KTS Nguyễn Thanh Hà về việc thành phố phải chú ý đến cảnh quan kiến trúc ở hai con đường (Lê Lai và Phạm Ngũ Lão) bên hông nhà hát trong tương lai. “Tương lai, người dân và doanh nghiệp cũng sẽ xây những tòa nhà 10-15 tầng để kinh doanh, làm dịch vụ. Những kiểu xây dựng “lố nhố” này lại nằm rất sát bên hông nhà hát thì sẽ phá nát dáng vẻ của nhà hát; đồng thời cũng cản tầm nhìn để có thể chiêm ngưỡng vẻ “mỹ miều” của nhà hát từ xa”, ông Hoa nói thêm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: