Tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi được biết, xã Vân Tảo có diện tích đất tự nhiên hơn 500 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 100 ha; gồm sáu thôn và hai xóm với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, cuối năm 2012, UBND xã Vân Tảo đã xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa, với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn từ một đến hai thửa ruộng; gắn với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng... Để triển khai dồn điền, đổi thửa, Vân Tảo đã lựa chọn xóm Giáo, thôn Xâm Động và thôn Xâm Hồ để thực hiện điểm, với diện tích hơn 463 nghìn m2. Theo kết quả điều tra của tiểu ban dồn điền, đổi thửa, xóm Giáo có 193 hộ dân, với 461 thửa ruộng; thôn Xâm Hồ có 149 hộ dân với 642 thửa ruộng. Phần diện tích ruộng giao cho các hộ dân hơn 462 nghìn m2; diện tích quỹ đất hai do các thôn quản lý hơn 15 nghìn m2. Diện tích dôi dư là 1.700 m2. Cùng với dồn điền, đổi thửa, xã tiến hành đào đắp 24 tuyến giao thông thủy lợi nội đồng, chiều dài gần 7.000 m... Chủ trương dồn điền, đổi thửa của xã Vân Tảo được phần lớn người dân đồng tình và ủng hộ. Các bước thực hiện dồn điền, đổi thửa như tuyên truyền, vận động, điều tra đánh giá hiện trạng, lập và công khai phương án, tổ chức họp dân, bốc thăm nhận ruộng... được thực hiện khá bài bản.
Riêng tại thôn Xâm Hồ, gồm hai xứ đồng Áp Quế và Đồng Nhà, với tổng diện tích dồn điền, đổi thửa gần 220 nghìn m2, cho đến nay, việc dồn điền, đổi thửa tại Áp Quế đã hoàn tất. Người dân đã nhận ruộng, đầu tư sản xuất. Tại xứ Đồng Nhà, theo nguyện vọng của bà con, sau dồn điền, đổi thửa phải bảo đảm người dân có cả đất trồng lúa, trồng màu. Tuy nhiên, từ những năm 1995-1996, một số người dân có như đã tự đổi cho nhau. Ngoài ra, một số hộ còn thuê thêm diện tích để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì thế, khi dồn điền, đổi thửa phải chia lại toàn bộ diện tích các hộ dân đã tự dồn đổi, dẫn đến một số gia đình đã đầu tư công sức, tiền bạc vào đồng ruộng bị thiệt thòi. Anh Nguyễn Văn Hà cho biết, từ năm 2000 gia đình anh đã tự dồn đổi thành thửa ruộng rộng hơn 500 m2, đầu tư tiền xây tường bao, đổ đất, làm hệ thống tưới tiêu để biến đất trồng lúa sang trồng hoa màu. Thu nhập trồng màu cao và ổn định hơn nhiều lần so với trồng lúa. Khi gắp phiếu phải mảnh ruộng khác khiến gia đình phải đầu tư lại từ đầu, gây thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, anh và một số người dân đã kiến nghị UBND xã Vân Tảo cho giữ lại những mảnh ruộng trên, nhưng chưa được giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Hữu Hưng cho biết, việc dồn điền, đổi thửa, chia lại ruộng đất xuất phát từ nguyện vọng của người dân thôn Xâm Hồ muốn có cả đất trồng lúa và trồng màu tại xứ Đồng Nhà, đã được hội nghị nhân dân nhất trí thông qua. Những gia đình đã đầu tư công sức, tiền bạc vào đồng ruộng ít nhiều bị ảnh hưởng, thiệt thòi. UBND xã rất trăn trở, nhưng không thể hỗ trợ các gia đình này vì không có chính sách. Chúng tôi đang vận động những gia đình nhận được những mảnh ruộng tốt có sự hỗ trợ đối với gia đình đã đầu tư trước đó. Cho đến nay, việc đo đạc, cắm mốc thực địa tại thôn Xâm Hồ đã hoàn tất. Phần lớn người dân Xâm Hồ đã nhận ruộng. Tuy nhiên, do các hộ dân đang trồng màu, cấy lúa, cho nên việc giao nhận ruộng sẽ được tiến hành ngay sau khi thu hoạch.
D?N điền, đổi thửa là công việc khó, phức tạp, vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân. Vì thế, để bảo đảm quyền lợi cho một số hộ dân thôn Xâm Hồ, UBND xã Vân Tảo cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu, tìm biện pháp hỗ trợ cho bà con theo đúng quy định của pháp luật; tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa diễn ra tại thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực (huyện Chương Mỹ). Sau khi thực hiện thí điểm tại xóm Giáo thôn Xâm Động và thôn Xâm Hồ, UBND xã cần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để đẩy nhanh tiến độ dồn điền, đổi thửa trên toàn xã, bảo đảm hoàn thành trong năm 2013. Bên cạnh đó, UBND xã khẩn trương tiến hành đào đắp, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: